GIÁ TRỊ PHÁP LÝ CỦA TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP CỦA NƯỚC VIỆT NAM  DÂN CHỦ CỘNG HÒA

Thứ tư - 28/08/2024 07:42 327 0
GIÁ TRỊ PHÁP LÝ CỦA TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP CỦA NƯỚC VIỆT NAM  DÂN CHỦ CỘNG HÒA
 
ThS. Huỳnh Thị Nhẹ
Giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật

 
Tóm tắt: Tác phẩm Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết là áng văn lập quốc vĩ đại, là văn bản chính trị - pháp lý đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tác phẩm có giá trị pháp lý vô cùng to lớn: khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người chủ một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ khóa: Tuyên ngôn Độc lập, giá trị pháp lý…
 
1. Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm
Với nhãn quan chính trị sắc sảo và dự đoán tình hình thời cuộc trong và ngoài nước hết sức tài tình, ngay từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Hồ Chí Minh đã dự đoán cuộc chiến tranh này gây nhiều đau thương mất mát cho nhân loại, nhưng sẽ tạo cơ hội cho các dân tộc thuộc địa đứng lên tự giải phóng.
Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 do Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã đánh đổ sự thống trị của để quốc, giành độc lập dân tộc và lật đổ chế độ phong kiến, thành lập chế độ mới - chế độ Dân chủ Cộng hòa. Thắng lợi đó đã mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam: kỷ nguyên đất nước được độc lập, thống nhất, nhân dân lao động làm chủ xã hội và tạo ra những tiền đề cần thiết, từng bước đưa đất nước phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Chiều ngày 25-8-1945, Hồ Chí Minh về ở tại ngôi nhà số 48, phố Hàng Ngang, Hà Nội. Sáng ngày 26-8-1945, tại ngôi nhà số 48 Hàng Ngang, Hà Nội, Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng. Trong số các quyết định của cuộc họp này, Thường vụ nhất trí chuẩn bị công bố bản Tuyên ngôn Độc lập và tố chức mít tinh lớn ở Hà Nội để Chính phủ lâm thời ra mắt nhân dân, cũng là ngày nước Việt Nam chính thức công bố quyền độc lập và thiết lập chính thể Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 02-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn Độc lập. Tuyên ngôn Độc lập không chỉ khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội mà còn có ý nghĩa thời đại sâu sắc. Bởi khát vọng, tinh thần và ý chí đấu tranh cho độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam; vì một nước Việt Nam thoát khỏi ách thống trị của ngoại bang dưới sự lãnh đạo của Đảng đã trở thành hiện thực sinh động.
2. Những nội dung cơ bản của tác phẩm
Thứ nhất, nêu cao quyền con người và quyền dân tộc
Hồ Chí Minh khẳng định giá trị thiêng liêng của quyền con người. Những quyền cơ bản đó được ghi nhận trong hai bản Tuyên ngôn nổi tiếng của nước Mỹ và nước Pháp. Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ (1776) có viết: Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”[1]. Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 nêu rõ: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đắng về quyền lợi”[2]. Từ đó, Người khẳng định: Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.
Từ quyền con người, Hồ Chí Minh suy rộng ra quyền dân tộc và dành cho mọi quốc gia dân tộc trên thế giới: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do[3]. Ở đây, Hồ Chí Minh đã chuyển tiếp từ quyền của con người thành quyền mọi dân tộc - từ sự thể hiện những giá trị cá nhân vốn là đặc trưng của văn hóa phương Tây, bằng những giá trị mang tính tập thế là đặc trưng của văn hóa phương Đông.
Thứ hai, tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân Pháp
Tuyên ngôn đã tố cáo đanh thép chính sách tàn bạo của chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hộ sách đó đã đi ngược lại những lý tương cao cả của nhận hạnt và ci chính người Pháp: “Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa[4].
Khi Nhật xâm lược Đông Dương, dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Với sự thống trị hai tầng áp bức đế quốc Pháp và phát xít Nhật, dân ta thêm cực khổ. Kết quả là cuối năm 1944 sang đầu năm 1945, từ Quảng Trị đến các tỉnh ở Bắc Kỳ, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói. Như vậy, thực dân, phát xít đã tước đoạt quyền làm người cơ bản của nhân dân Việt Nam và tước đoạt quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam.
Không chỉ thi hành chính sách cai trị tàn bạo, bóc lột dã man nhân dân ta, thực dân Pháp còn thể hiện rõ sự hèn nhát và bộ mặt phản bội khi phát xít Nhật xâm lược Đông Dương. Đến ngày 9-3-1945, Nhật tiến hành đảo chính Pháp độc chiếm Đông Dương. Hồ Chí Minh viết: Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng. Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật!”[5]
Thứ ba, khẳng định thành quả quá trình đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam và sự ra đời của chế độ xã hội mới - chế độ Dân chủ Cộng hòa
Tính chất của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam là cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân: vừa thực hiện nhiệm vụ dân tộc là giải phóng dân tộc, thực hiện nhiệm vụ dân chủ là lật đổ chế độ phong kiến để lập nên chế độ mới. Khẳng định sự ra đời của một chế độ xã hội mới sau Cách mạng Tháng Tám giành độc lập dân tộc: chế độ Dân chủ Cộng hòa. Hồ Chí Minh đúc kết sự kiện lịch sử quan trọng và biến chuyển vì đại của dân tộc bằng đoạn văn hết sức ngắn gọn, khái quát “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”.[6]
Thứ tư, khẳng định quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam và nêu cao ý chí, quyết tâm của toàn thể dân tộc để bảo vệ quyền tự do, độc lập ấy
Hồ Chí Minh khẳng định tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Nhân dân Việt Nam đã đánh đổ xiềng xích của chế độ thực dân, xóa bỏ chế độ quân chủ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa là chế độ tiến bộ, phù hợp với xu thế của thế giới bấy giờ. Cuộc đấu tranh đó được sự ủng hộ của toàn thể nhân dân Việt Nam với khát vọng giành độc lập, xóa bỏ mọi áp bức, bóc lột, bất công để xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Bản Tuyên ngôn nêu rõ: “Lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới - đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”[7]. Hồ Chí Minh tuyên bố Việt Nam thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, tức là xóa bỏ ách thống trị của Pháp, xóa bỏ quan hệ bất bình đẳng giữa Pháp và Việt Nam, không phải là xóa bỏ quan hệ với nước Pháp và nhân dân tiến bộ Pháp.
Hồ Chí Minh đã đề cập tới các nghị quyết của các nước Đồng minh được thông qua tại hai Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn là cơ sở pháp lý quốc tế, bảo đảm quyền bình đẳng và tự do, độc lập của mỗi quốc gia, dân tộc và nêu rõ: Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập![8].
3. Giá trị pháp lý của Tuyên ngôn Độc lập
Tác phẩm Tuyên ngôn Độc lập là văn bản chính trị - pháp lý đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tác phẩm có giá trị pháp lý vô cùng to lớn: khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người chủ một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tuyên ngôn cũng là bản cáo trạng những tội ác của thực dân Pháp và phát xít Nhật, vạch trần bản chất tàn bạo, bóc lột, vô nhân đạo của chúng trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đó là những tội ác đi ngược lý tưởng “tự do, bình đẳng, bác ái” tốt đẹp mà chính giai cấp tư sản đã nêu ra, chà đạp tàn bạo các giá trị về quyền làm người và quyền của các dân tộc.
Tuyên ngôn không chỉ tuyên bố nền độc lập của Việt Nam, mà đã khẳng định mạnh mẽ quyền dân tộc cơ bản của các dân tộc bị áp bức trong thời đại mới, đó là quyền độc lập, tự do, bình đẳng và quyền tự quyết. Trong khi chế độ thuộc địa vẫn còn tồn tại phổ biến trên thế giới, sự kiện Hồ Chí Minh tuyên bố với toàn thế giới về cuộc đâu tranh giành độc lập của một nước thuộc địa như Việt Nam; với những lý lẽ xác đáng từ thực tiễn lịch sử và căn cứ pháp lý quốc tế, tuyên bố độc lập Việt Nam như lẽ phải, chân lý không thể chối cãi được có ý nghĩa to lớn với thế giới, góp phần đặt nền tảng cho pháp lý quốc tế hiện đại về quyền của các dân tộc.
Tuyên ngôn đã có những đóng góp to lớn trong việc mở rộng và gắn kết quyền con người - quyền dân tộc. Trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ, mới chỉ đề cập quyền của người đàn ông, còn trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam, Hồ Chí Minh đã mở rộng biên độ rộng nhất là tất cả mọi người, không phân biệt giới tính, địa vị, tôn giáo, thành phần xuất thân, giàu nghèo...
Trong Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh đã khái quát và nâng cao những giá trị bất hủ, tiến bộ của nhân loại về quyền bình đẳng, tự do và mưu cầu hạnh phúc của con người. Theo Người, những quyền đó của con người là thiêng liêng, cao cả, nhưng quyền con người phải nằm trong quyền dân tộc và không tách rời quyền của dân tộc. Vì vậy, đối với mỗi dân tộc bị áp bức, cuộc đấu tranh vì độc lập tự do của cả dân tộc và mỗi cá nhân quyện chặt vào nhau thành cuộc đấu tranh chung “Một dân tộc nô lệ không thể có những con người tự do”. Quyền dân tộc thiêng liêng và quyền cơ bản của con người, từ hai lĩnh vực công pháp quốc tế và pháp luật quốc gia đã gắn lại với nhau, phát triển cùng với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam để giành lại quyền sống của dân tộc trong độc lập tự do và để xây dựng một đời sống bình đẳng, tự do, hạnh phúc cho mọi người.
Tuyên ngôn Độc lập cũng nêu rõ quyền bình đẳng của các dân tộc phải được công nhận trên cơ sở tôn trọng các giá trị nhân loại và các nguyên tắc tiến bộ của nhân loại. Với việc liên hệ và mở rộng nội hàm khái niệm nhân quyền, Người khẳng định, cũng như đặc tính hiển nhiên và bất khả xâm phạm của quyền con người, quyền của các dân tộc cũng là quyền tự nhiên, cố hữu, bất khả xâm phạm.
Tuyên ngôn Độc lập là tiếng nói của ý chí, khát vọng độc lập, tinh thần ngoan cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam. Với căn cứ xác đáng và sự tuyên bố trịnh trọng trước quốc dân và thế giới, Tuyên ngôn Độc lập là văn bản pháp lý khẳng định chủ quyền của dân tộc Việt Nam, khẳng định thành quả của Cách mạng Tháng Tám và mở ra thời đại mới cho sự phát triển của dân tộc Việt Nam: độc lập dân tộc và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Trong bối cảnh Việt Nam đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, bản Tuyên ngôn tạo dựng nền tảng và hạt nhân thống nhất về tư tưởng, nhận thức và hành động trong mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam để thuyết phục, tập hợp, động viên, quy tụ và đoàn kết mỗi người dân Việt Nam cùng Chính phủ mới sẵn sàng bảo vệ nền độc lập, tự do mới giành được.
Tư tưởng về quyền tự do, dân chủ của bản Tuyên ngôn Độc lập đã trở thành nguyên tắc hiến định của Nhà nước ta, thể hiện rõ nét trong Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hiến pháp tuyên bố thành quả của Cách mạng Tháng Tám đã “giành lại chủ quyền cho đất nước, tự do cho nhân dân và lập ra nền Dân chủ Cộng hòa”. Hiến pháp năm 1946 ghi nhận các quyền tự do, dân chủ của công dân Việt Nam và xác lập những điều kiện bảo đảm các quyền công dân đó. Các quyền cơ bản này ngày càng được quy định đầy đủ hơn, cụ thể hơn trong các Hiến pháp Việt Nam về sau.
Tóm lại, Tuyên ngôn Độc lập đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Đó là trang sử chói lọi đánh dấu sự kết thúc của chế độ quân chủ chuyên chế và chế độ thực dân, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam, kỷ nguyên của độc lập, tự do, hạnh phúc. Bản Tuyên ngôn Độc lập là kết tinh và thể hiện sự tập trung sự thống nhất giữa tư tưởng và hành động, đạo đức và nhân cách Hồ Chí Minh. 79 năm đã trôi qua, Bản Tuyên ngôn Độc lập luôn được coi văn kiện pháp lý đặc biệt quan trọng, kết tinh giá trị văn hóa cao đẹp của dân tộc và tinh hoa thời đại, vẫn vang vọng mãi trong lịch sử dân tộc Việt Nam và nhân loại./.
Tài liệu tham khảo:
1. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Tài liệu bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mac-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Tập 3. Các tác phẩm kinh điển của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Lý luận chính trị, H.2023.
2. https://dangcongsan.vn/tieu-diem/ban-tuyen-ngon-cua-tinh-than-va-y-chi-doc-lap-tu-do-645425.html
3. https://tapchitoaan.vn/ban-tuyen-ngon-doc-lap-la-van-kien-phap-ly-quan-trong-khang-dinh-quyen-tu-do-binh-dang-cua-dan-toc.
 
 
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị Quốc gia Sự thật, H2021, t4, tr.1
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị Quốc gia Sự thật, H2021, t4, tr.1
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị Quốc gia Sự thật, H2021, t4, tr.1
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị Quốc gia Sự thật, H.2021, t4, tr.1
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.4, tr.2
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.4, tr.3
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.4, tr.3
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.4, tr.3

Tác giả: Quản trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây