Kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001 - 28/6/2021)

Thứ tư - 27/01/2021 22:55 118 0

THÁNG 6 - BÀN VỀ HAI CHỮ GIA ĐÌNH

ThS. Nguyễn Thị Bích Tuyền

GV. Khoa Xây dựng Đảng

Gia đình là một trong những hình thức tổ chức cơ bản trong đời sống cộng đồng của con người, một thiết chế văn hoá - xã hội đặc thù, được hình thành, tồn tại và phát triển trên cơ sở của quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và giáo dục...giữa các thành viên. Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã được gia đình Việt Nam giữ gìn, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi, nhưng vị trí, vai trò và chức năng cơ bản của gia đình vẫn còn tồn tại và gia đình vẫn là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế -  xã hội của đất nước ta.

Trước hết, về vị trí, vai trò của gia đình:

Gia đình là tế bào của xã hội: Gia đình là tế bào của xã hội, là thiết chế cơ sở đầu tiên của xã hội. Muốn có một xã hội phát triển lành mạnh thì trước hết từng tế bào - tức là mỗi gia đình - phải phát triển bền vững và hạnh phúc. Nói cách khác, giữa gia đình và xã hội có mối quan hệ gắn bó khăng khít, thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển. Xã hội tốt đẹp, tiến bộ sẽ là tiền đề cho các gia đình phát triển lành mạnh. Các gia đình hạnh phúc, đầm ấm sẽ có tác động tích cực trở lại cho sự phát triển của xã hội.

Gia đình là cầu nối giữa cá nhân và xã hội: Mỗi cá nhân không chỉ là thành viên của gia đình mà còn là thành viên của xã hội. Mỗi cá nhân muốn hoà nhập và phát triển trong xã hội đều phải qua cái cầu trung gian - đó là gia đình. Thông qua gia đình, cá nhân đến với xã hội và ngược lại, xã hội đến với cá nhân thông qua gia đình.

          Gia đình là tổ ấm, mang lại các giá trị hạnh phúc, sự hài hòa trong đời sống của mỗi cá nhân: Gia đình là tổ ấm của mỗi con người, mà ở đó mỗi người có thể nhận được sự yêu thương, chăm sóc, chia sẻ những tình cảm đặc biệt, nhận được sự chăm sóc cả về mặt vật chất và tinh thần. Sự yên ổn, hạnh phúc của mỗi gia đình là tiền đề, điều kiện quan trọng cho sự hình thành và phát triển nhân cách của mỗi người.

Thứ hai, về các chức năng cơ bản của gia đình:

          Chức năng tái sản xuất ra con người: Đây là chức năng đặc thù nhất của gia đình. Chức năng này được thực hiện nhằm duy trì nòi giống; đáp ứng nhu cầu tâm, sinh lý tự nhiên của con người; đồng thời cung cấp nguồn nhân lực mới cho xã hội, từ đó đảm bảo sự trường tồn của xã hội loài người. Việc thực hiện chức năng này như thế nào sẽ có tác động trực tiếp đến sự phát triển dân số của quốc gia (như mật độ dân cư, số lượng và chất lượng dân số của quốc gia). Do vậy, việc thực hiện chức năng này không chỉ là việc riêng của gia đình mà còn là vấn đề quan trọng của quốc gia và của toàn nhân loại.

Chức năng kinh tế và tổ chức đời sống gia đình: Hoạt động kinh tế của gia đình bao gồm cả hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động tiêu dùng. Đây là chức năng cơ bản của gia đình nhằm đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho các thành viên trong gia đình. Đồng thời, việc thực hiện chức năng này sẽ góp phần vào việc phát triển kinh tế của quốc gia.

          Chức năng nuôi dưỡng và giáo dục của gia đình: Nuôi dưỡng và giáo dục con người trưởng thành về mọi mặt thể chất lẫn tinh thần đó là chức năng vô cùng quan trọng của gia đình. Gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên và lâu dài trong cuộc đời của mỗi con người. Việc thực hiện chức năng này góp phần tạo ra thế hệ con người có ích cho gia đình và cho xã hội, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, thực hiện tốt chức năng vừa là trách nhiệm vừa là nghĩa vụ của gia đình đối với sự phát triển của xã hội.

Giáo dục gia đình có nội dung toàn diện, bao gồm: giáo dục tri thức, giáo dục lao động, giáo dục phẩm chất đạo đức, lối sống, nhân cách, ý thức cộng đồng... Phương pháp giáo dục của gia đình chủ yếu là nêu gương, thuyết phục.

          Chức năng thỏa mãn các nhu cầu tâm - sinh lý, tình cảm của gia đình: Với chức năng này, gia đình trở thành hệ thống bảo trợ tốt nhất cho con người cả về mặt vật chất và tinh thần. Chỉ trong gia đình, những nhu cầu tình cảm, những khát vọng tâm - sinh lý của cá nhân mới được bộc lộ và chia sẻ và được thoả mãn một cách an toàn nhất. Khi thực hiện tốt chức năng này, gia đình trở thành tổ ấm của mỗi người.

Tóm lại, gia đình có vị trí và vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển cá nhân và xã hội. Gia đình chỉ phát triển lành mạnh, bền vững và góp phần to lớn vào sự phát triển của xã hội khi đồng thời thực hiện tốt các chức năng trên. Trong giai đoạn hiện nay, để xể xây dựng gia đình mới, gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc cần phải đảm bảo theo các định hướng cơ bản sau:

Một là, xây dựng gia đình mới ở nước ta phải trên cơ sở kế thừa, giữ gìn và phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống, đồng thời tiếp thu những giá trị mới, tiến bộ của thời đại về gia đình.

 Trong quá trình xây dựng gia đình mới ở nước ta hiện nay phải tiếp tục kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp như: sự cố kết trong gia đình, tình nghĩa thủy chung, đề cao đạo đức và bổn phận, đoàn kết tình làng nghĩa xóm... Song đồng thời phải khắc phục, loại bỏ những giá trị không còn phù hợp như: Gia trưởng, trọng nam khinh nữ, bất bình đẳng trong gia đình, tảo hôn, nghi lễ rườm rà, tốn kém trong ma chay, cưới hỏi...

Phải tiếp thu chọn lọc những giá trị văn hoá của nhân loại, những giá trị mới tiến bộ như: dân chủ, bình đẳng, hôn nhân một vợ một chồng, tự do trong hôn nhân...

Hai là, gia đình mới phải được xây dựng trên cơ sở quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, đảm bảo quyền tự do kết hôn và ly hôn.

Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ là hôn nhân được xây dựng trên cơ sở tình yêu chân chính, thương yêu, chia sẻ những khó khăn, những công việc trong gia đình và cùng nhau xây dựng cuộc sống hạnh phúc.

Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bao gồm hai mặt: tự do kết hôn và tự do ly hôn. Tuy nhiên, cần nhớ rằng ly hôn có hai mặt. Ly hôn là khó tránh khỏi khi tình yêu đôi bên không còn. Song ly hôn sẽ cũng để lại những hậu quả rất to lớn, như làm ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của con trẻ và là yếu tố dẫn đến tệ nạn xã hội gia tăng....

Ba là, gia đình mới được xây dựng trên cơ sở bình đẳng giới, yêu thương, có trách nhiệm cùng chia sẻ, gánh vác công việc của các thành viên trong gia đình để thực hiện tốt các chức năng cơ bản của gia đình và hoàn thành nghĩa vụ đối với xã hội.

Gia đình phải thực hiện bình đẳng giới, tức là đảm bảo sự bình đẳng của cả hai giới trong gia đình, nhất là bình đẳng giữa chồng và vợ, giữa con trai và con gái. Các thành viên trong gia đình phải yêu thương, có trách nhiệm với nhau, cùng chia sẻ các công việc của gia đình.

Bốn là, xây dựng gia đình mới phải gắn liền với việc hình thành và xác lập, củng cố từng bước các quan hệ gắn bó với cộng đồng, với các thiết chế, tổ chức ngoài gia đình.

Xây dựng gia đình mới tiến bộ phải gắn liền với việc giữ gìn và phát huy tình làng nghĩa xóm, tình đoàn kết gắn bó cộng đồng; thực hiện tốt những chủ trương, chính sách mới, những qui dịnh của cộng đồng dân cư.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây