TĂNG CƯỜNG GIÁO DỤC, BỒI DƯỠNG LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ ĐỐI VỚI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN THEO QUAN ĐIỂM ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG

Thứ năm - 14/01/2021 16:38 351 0

Lý luận chính trị có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”(1). Vì vậy, giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ quan trọng của Đảng. Có thể nhận thấy, tiếp nối tinh thần từ các kỳ Đại hội Đảng trước đây, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (gọi tắt Đại hội XIII) đã đề cập một cách toàn diện, sâu sắc, cụ thể đến vấn đề giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị, từ đánh giá những kết quả đạt được cùng hạn chế, bất cập đến phương hướng, giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Điều đó thể hiện bước phát triển của Đảng không chỉ trong nhận thức về tầm quan trọng của công tác giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị đối với xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tình hình mới, mà còn là những tư duy mới trong lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị trong thời gian tới.

Với phương châm:“Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tư tưởng, bảo đảm tính đảng, tính khoa học, tính chiến đấu, tính thực tiễn, kịp thời và hiệu quả; nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục, học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” (2), Đại hội XIII của Đảng ta đã đưa ra những định tăng cường giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị trong giai đoạn hiện nay. Đó là:

Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục lý luận chính trị. Đây là giải pháp đầu tiên đóng vai trò quyết định chất lượng và hiệu quả của công tác giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị. Theo đánh giá của Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý thì nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị chậm được đổi mới, bổ sung, cập nhật, còn trùng lặp, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn, rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, phong cách lãnh đạo, quản lý; phương pháp giảng dạy, học tập chậm được đổi mới, nặng về truyền đạt kiến thức, chưa phát huy được tính tích cực, sáng tạo của học viên. 

Nhằm khắc phục những hạn chế này, Đại hội XIII đã xác định:“Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận với thực tiễn”(3).Việc bổ sung định hướng: khoa họcsáng tạohiện đại và gắn lý luận với thực tiễn là những điểm mới rất quan trọng. Nếu tính khoa học nhằm đảm bảo sự đúng đắn thì tính sáng tạo chính là hướng đến sự đột phá; tính hiện đại nhằm đảm bảo sự mới mẻ, cập nhật thì gắn lý luận với thực tiễn là để những vấn đề lý luận luôn hài hòa với thực tiễn cuộc sống, tránh lối lý luận suông, xa rời thực tiễn cũng như tránh thực tiễn thuần túy, khô khan, không có có lý luận.

 

Ảnh minh họa: Sưu tầm từ internet

 

Ngoài ra, Đại hội XIII cũng nhấn mạnh đến việc không ngừng bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt; khắc phục lối suy nghĩ và làm việc xáo mòn, lạc hậu; khắc phục tình trạng chỉ coi trọng công tác đào tạo mà xem nhẹ công tác bồi dưỡng: “đưa việc bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp đi vào nề nếp, nâng cao chất lượng, hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng”(4).

Tăng cường quản lý việc học tập gắn với rèn luyện, tu dưỡng; khắc phục tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ ra một cách hệ thống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trong đó xác định một trong 09 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị là nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị, lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Biểu hiện này trong cán bộ, đảng viên được nhận diện với những biểu hiện cụ thể như không chịu học tập lý luận chính trị; học lý luận chính trị không nghiêm túc; không chấp hành tốt kỷ luật học tập lý luận chính trị; học không đi đôi với hành.

Thực tiễn cho thấy, khi công tác quản lý quá trình học tập, rèn luyện, tu dưỡng bị buông lỏng tất yếu dẫn đến không ít cán bộ, đảng viên nảy sinh tâm lý lười học, học hình thức, đối phó, qua loa, học cho có vì bằng cấp, chứng chỉ để bổ nhiệm, luân chuyển, nâng ngạch...

Để khắc phục tình trạng này, Đại hội XIII đã xác định:“Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa học tập lý luận với rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn để năng cao bản lĩnh chính trị; khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên”(5).

Học tập lý luận chính trị là nhiệm vụ cần thiết, cấp bách của mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện thường xuyên, lâu dài với ý thức và tinh thần tự giác cao. Học tập lý luận chính trị, người cán bộ, đảng viên, được trang bị nền tảng cơ sở lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước để hình thành và phát triển thế giới quan, phương pháp luận khoa học, tăng cường nhận thức tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, củng cố niềm tin vững chắc vào lý tưởng Cộng sản, phát huy năng lực hoạt động thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của cách mạng trong thời kì mới.

Đại hội XIII đã đề ra việc gắn trách nhiệm của công tác giáo dục lý luận chính trị với khắc phục triệt để bệnh lười học, ngại học lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên là đòi hỏi cấp bách của thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên “vừa hồng vừa chuyên” trong tình hình mới.

Củng cố, nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ giảng viên, báo cáo viên lý luận chính trị và hiệu quả hoạt động của các Trường Chính trị.

Hệ thống các cơ sở đào tạo lý luận chính trị ở nước ta có thể nói là khá phong phú. Ngoài các Học viện, nhà trường có cơ sở đào tạo lý luận chính trị, thì các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có Trường Chính trị. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các Trường Chính trị nhìn chung còn chưa đồng đều. Do đó, để tăng cường công tác giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị không thể không quan tâm đến kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng là điều kiện đảm bảo, cần thiết cho chất lượng của công tác giáo dục lý luận chính trị. Nhằm thực hiện có hiệu quả tinh thần của Đại hội XIII, trước mắt, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nói chung, Trường Chính trị nói riêng cần tiến hành đổi mới đồng bộ từ mô hình, cơ chế hoạt động đến đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật; chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý theo hướng:“Tập trung xây dựng, củng cố, thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ giảng viên chính trị, báo cáo viên; kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các Trường Chính trị”(6).

Để thực hiện giải pháp này, ngày 19/5/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XIII đã ban hành Quy định số 11-QĐ/TW về Trường chính trị chuẩn. Theo đó, xây dựng Trường chính trị chuẩn là chuẩn hoá về thể chế, quy định; về đội ngũ cán bộ, viên chức; về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; về hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; về xây dựng văn hoá trường Đảng, thực hiện kỷ luật, kỷ cương; về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, tài chính để các trường thực hiện thống nhất nội dung công tác trường chính trị, trên cơ sở đó nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của hệ thống trường Đảng cả nước.

Xuất phát từ những quan điểm mới của Đại hội XIII về tăng cường giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trong tình hình hiện nay, Nghị quyết Đại hội Đại biệu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ XI và Chương trình hành động số 13-Ctr/TU ngày 22/12/2020 của Tỉnh ủy đã xác định đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong cán bộ, đảng viên sẽ góp phần xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng; đấu tranh ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng bộ tỉnh.

Thực hiện những quan điểm định hướng này, công tác đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị tỉnh trong thời gian tới cũng đổi mới nhằm đáp ứng nhu cầu chuẩn hóa trình độ lý luận chính trị, nâng cao kiến thức, tư duy và kỹ năng hoạt của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị của tỉnh. Đó là:

 Ban Giám hiệu tiếp tục thực hiện tốt sự chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh ủy về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ; công tác lãnh đạo, quản lý quá trình đào tạo, bồi dưỡng được tổ chức và thực hiện nghiêm theo quy trình và quy định hiện hành của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; tăng cường đào tạo hệ tập trung, giảm tổ chức các lớp tại đơn vị, địa phương; chủ động cập nhật, bổ sung những vấn đề mới, các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước phù hợp kinh tế xã hội của tỉnh vào công tác giảng dạy; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất của nhà trường…

Đối với đội ngũ giảng viên cần tiếp tục học tập nâng cao trình độ về chuyên môn nhất là trình độ Tiến sĩ; tham gia bồi dưỡng kiến thức kinh điển Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; không ngừng đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy tích cực, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động giảng dạy; tích cực tham gia nghiên cứu khoa học nhất là thực hiện các nhiệm vụ khoa học cấp trường, cấp tỉnh; tham gia tổng kết thực thực tiễn địa phương…

Chú thích

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.5 tr.273-274.

(2) (3) (4) (5) (6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.II, tr. 233, 235, 235-236, 236, 236, 236.

 

Mai Tuấn Kiệt-khoa Nhà nước và pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây