ĐẤU TRANH PHẢN BÁC CÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VẤN ĐỀ QUYỀN CON NGƯỜI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Thứ sáu - 24/03/2023 22:14 1.283 0
                                                                                      ThS. Nguyễn Thị Huệ
                                                                                    GV Khoa Lý luận cơ sở
Lịch sử đã chứng minh vai trò to lớn của quyền con người đối với sự phát triển của mỗi quốc gia và quá trình tiến hóa của văn minh nhân loại. Trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta luôn chú trọng xây dựng, bảo đảm quyền con người trên mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, các thế lực thù địch với âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta đã không ngừng dùng các thủ đoạn, phương thức xuyên tạc vấn đề quyền con người ở Việt Nam. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết và trong đó, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc vấn đề quyền con người ở Việt Nam hiện nay cũng là một trong những nhiệm vụ góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Quyền con người là những giá trị thiêng liêng, cao quý kết tinh từ nhiều nền văn hóa, văn minh của các dân tộc trên thế giới. Lịch sử phát triển của xã hội, xét đến cùng, đều là lịch sử đấu tranh vì quyền con người hay hướng tới việc bảo vệ quyền con người, dù là quyền của một nhóm thiểu số hay quyền của đa số. Quyền con người luôn là mục tiêu và động lực của mọi xã hội, mọi thời đại. Quyền con người là các đặc quyền tự nhiên, bắt nguồn từ phẩm giá vốn có của tất cả mọi người, được cộng đồng quốc tế và quốc gia thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm bằng hệ thống pháp luật quốc gia và quốc tế.
1. Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người
Quá trình đổi mới tư duy lý luận và thực tiễn phát triển đất nước đã giúp Đảng nhận thức ngày càng rõ hơn về thời đại, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, trong đó có vấn đề tôn trọng, bảo đảm quyền con người.
Đại hội VI của Đảng (1986), vì nhiều lý do cả chủ quan và khách quan, trong văn kiện Đại hội chưa đề cập khái niệm quyền con người, nhưng quan điểm xuyên suốt là: “Cùng với việc chăm lo đời sống nhân dân, các cơ quan nhà nước phải tôn trọng và bảo đảm những quyền công dân mà Hiến pháp đã quy định”[1].
Đại hội VII của Đảng (1991) đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lần đầu tiên khái niệm quyền con người chính thức được ghi nhận trong Cương lĩnh thời kỳ đổi mới. Đó là: “Nhà nước định ra các đạo luật nhằm xác định các quyền công dân và quyền con người”[2]
Năm 1992, xuất phát từ những diễn biến mới của tình hình trong nước và thế giới, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 12-7-1992 về vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta. Đây là văn kiện đầu tiên tập hợp các quan điểm cơ bản của Đảng về vấn đề quyền con người. Các quan điểm này có vai trò định hướng cho hoạt động của cả hệ thống chính trị Việt Nam trên lĩnh vực quyền con người suốt 30 năm qua.
Đại hội lần thứ VIII của Đảng (1996) nhấn mạnh: “Ban hành các đạo luật cần thiết để điều chỉnh các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ưu tiên xây dựng các luật về kinh tế, về các quyền công dân (...) nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, ban hành các văn bản luật với những quy định cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện”[3]
Đại hội IX của Đảng (2001) lần đầu tiên khẳng định trách nhiệm quốc gia trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người: “Chăm lo cho con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia”[4]
Đại hội X của Đảng (2006) tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân là yêu cầu bức thiết của xã hội; Nhà nước phải thể chế hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả quyền công dân, quyền con người”[5]. Trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập quốc tế và giải quyết các vấn đề, quan điểm khác nhau về quyền con người, Đảng chủ trương: “Chủ động tham gia cuộc đấu tranh chung vì quyền con người, sẵn sàng đối thoại với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực có liên quan về vấn đề nhân quyền. Kiên quyết làm thất bại các âm mưu, hành động xuyên tạc và lợi dụng các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo” hòng can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh và ổn định chính trị của Việt Nam”[6]
Đại hội XI của Đảng (2011) đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) trong đó nhiều quan điểm về tôn trọng, bảo vệ quyền con người được tổng kết, như: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”[7].
Đại hội XII của Đảng (2016) cùng với việc đưa nội dung quyền con người vào tất cả các văn kiện Đại hội, đã nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp tục: “Thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013... hoàn thiện hệ thống pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân”[8].
Đại hội XIII của Đảng (2021) tiếp tục bổ sung, phát triển nhận thức về quyền con người trong thời kỳ mới của đất nước. Đó là thời kỳ đẩy mạnh mọi hoạt động đối nội và đối ngoại nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, vào dịp kỷ niệm 100 thành lập nước. Đại hội xác định “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”[9].
Từ tầm nhìn và định hướng phát triển nói trên, Đại hội đề ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới phát triển đất nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, trong đó quan tâm tới bảo vệ, bảo đảm quyền con người.
2. Nhận diện các luận điệu xuyên tạc vấn đề quyền con người ở Việt Nam
Sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực thúc đẩy, bảo vệ quyền con người. Nhưng, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ở trong nước và ở nước ngoài cố tình xuyên tạc tình hình nhân quyền Việt Nam, ra sức chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa dưới chiêu bài “dân chủ, nhân quyền”.
Luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch thường tập trung chính vào một số lĩnh vực:
Thứ nhất, phủ nhận thành tựu, thực tiễn về các giá trị lý luận, quan điểm, đường lối của Đảng về quyền con người.
Thứ hai, kích động vấn đề dân tộc thiểu số và xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền trên lĩnh vực tôn giáo; chỉ trích các văn bản, chính sách, pháp luật về tôn giáo và lợi dụng các vụ việc và việc Nhà nước xử lý các đối tượng, vụ việc phức tạp liên quan tới tôn giáo để xuyên tạc, vu cáo. Các thế lực phản động xuyên tạc rằng: nhiều văn bản pháp luật Việt Nam về dân tộc không tương đồng với các công ước quốc tế về quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Thứ ba, phê phán, xuyên tạc Nhà nước Việt Nam ngăn cản tự do ngôn luận, tự do bày tỏ chính kiến, tự do hội họp. Chỉ trích chính quyền “trì hoãn” việc ban hành Luật Biểu tình để tiếp tục dung túng bạo lực, đàn áp, bắt giam những nhà hoạt động nhân quyền, có ý kiến “phản biện” Đảng, Nhà nước.
Thứ tư, xuyên tạc, kích động trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo, văn hóa - nghệ thuật, đạo đức, lối sống. Đặc biệt, chúng tăng cường tung “tin giả” đủ loại với sự phụ họa một cách có chủ ý hoặc vô ý thức của truyền thông đại chúng theo cơ chế thị trường và dựa trên nền tảng in-tơ-nét, nhằm phá hoại kỷ cương, trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy sự suy đồi, rối loạn tư tưởng, đạo đức, lối sống trong xã hội.
Thứ năm, xâm nhập, kích động nhằm thúc đẩy “tự diễn biến, “tự chuyển hóa” sang tư tưởng nhân quyền tư sản. Đồng thời, các thế lực thù địch đòi Nhà nước Việt Nam phải đáp ứng ngay tiêu chuẩn về các quyền dân sự, chính trị (tự do lập hội, tự do xuất bản báo chí tư nhân, hoạt động tôn giáo không cần sự quản lý của Nhà nước,...) tương tự các quốc gia phát triển phương Tây. Đòi dân sự hóa hoạt động lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nhằm thúc đẩy phát triển tối đa cái gọi là xã hội dân sự theo kiểu phương Tây. Họ móc nối và tìm cách  mua chuộc bằng tiền, hiện vật có giá trị để làm thay đổi tư tưởng, dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một số cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược và cơ quan trọng yếu.
Thứ sáu, kích động các cá nhân, tổ chức trong nước tổ chức bạo động, bạo loạn và nhờ nước ngoài can thiệp, quốc tế hóa vấn đề để mưu toan gây mất uy tín cho Việt Nam. Lợi dụng diễn đàn của Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc vu cáo Việt Nam vi phạm quyền con người. 
3. Trước các luận điệu xuyên tạc vấn đề quyền con người ở Việt Nam, để tăng cường phản bác một cách hệ thống, có lý lẽ cả về lý luận và thực tiễn, cần tập trung thực hiện một số công việc sau:
- Phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội
Trong thời kỳ đổi mới, Đảng, Nhà nước đã chủ trương từng bước xây dựng và thúc đẩy kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm tăng nhanh tiềm lực vật chất cho việc bảo đảm quyền con người. Theo đó, Nhà nước tạo ra hành lang pháp lý để mọi chủ thể trong xã hội có thể yên tâm đầu tư phát triển sản xuất trong nước và ở nước ngoài.
Cùng với thúc đẩy phát triển kinh tế, Nhà nước luôn chủ trương thực hiện công bằng xã hội ngay trong tùng bước và từng chính sách phát triển, nhằm bảo đảm cuộc sống và cơ hội phát triển cho mọi thành viên xã hội.
- Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân
Dân chủ là một quyền con người - quyền dân chủ hay quyền làm chủ của người dân, cũng là điều kiện không thể thiếu trong việc thực hiện quyền con người. Do đó, thực thi dân chủ luôn gắn liền với việc thực thi quyền con người.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước chủ trương tiếp tục đẩy mạnh dân chủ hóa xã hội dưới nhiều hình thức sáng tạo. Đó là việc kết hợp thực hiện dân chủ ở cơ sở với dân chủ trong hoạt động của Nhà nước và nội bộ Đảng; không ngừng dân chủ hóa mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Dân chủ hóa còn được thể hiện thông qua việc thúc đẩy quyền tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin, thu hút sự tham gia của người dân và cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện và bảo vệ quyền con người...
Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh nhiệm vụ: Tiếp tục hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân...
- Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và cơ chế bảo vệ quyên con người
Việc tổ chức, hoàn thiện bộ máy nhà nước có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm và bảo vệ quyền con người. Nhà nước pháp quyền là một nguyên tắc, hình thức nhà nước có nhiều ưu điểm trong việc bảo vệ con người, quyền con người.
- Thực hiện quyền con người, gắn quyền với nghĩa vụ theo tinh thần Hiến pháp năm 2013
Hiến pháp năm 2013 là dấu mốc quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người ở Việt Nam. Hiến pháp đề cập khá toàn diện các quyền con người và cách thức tổ chức bộ máy bảo đảm và bảo vệ quyền con người.
Hiến pháp quy định rõ: Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân vê chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật (khoản 1, Điêu 14). Hiến pháp cũng xác định trách nhiệm của mỗi công dân, mỗi con người đối với nhà nước, xã hội và người khác: Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng (khoản 2, Điều 14). Theo đó, bên cạnh việc ghi nhận quyền rộng rãi hơn, đầy đủ hơn so với các Hiến pháp trước đó, Hiến pháp mới quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc bảo vệ Hiến pháp, bảo vệ quyền con người.
Đại hội XII và XIII của Đảng đều chỉ rõ, những năm qua Đảng và Nhà nước tiếp tục ban hành nhiều chù trương, chính sách, pháp luật nhằm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được xác định đầy đủ hơn trong Hiên pháp năm 2013 và trong hệ thống pháp luật mới được ban hành và sửa đổi. Khẳng định rõ các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật; gắn quyền công dân với nghĩa vụ và trách nhiệm đối với xã hội.
- Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về báo vệ, bảo đảm quyền con người trong tình hình mới
Các chỉ thị của Đảng và Nhà nước nhấn mạnh việc tăng cường công tác giáo dục về quyền con người cho mọi tầng lớp xã hội; trong đó quan tâm giáo dục về quyền con người cho đối tượng học sinh, sinh viên, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào trong các tôn giáo. Đồng thời, chú trọng giáo dục quyền con người cho cán bộ, công chức, viên chức các cấp, nhằm nâng cao trách nhiệm của những người đại diện Nhà nước trong việc bảo đảm quyền con người. Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân và Đề án nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về quyền con người ở Việt Nam. Việc tuyên truyền cần được triển khai đồng thời trên cả ba nội dung như phổ biến kiến thức về quyền con người; tuyên truyền về thành tựu trong bảo đảm quyền con người và phản bác các thông tin, luận điệu xuyên tạc về tình hình quyền con người ở Việt Nam.
- Tăng cường hợp tác quốc tế, chủ động đối thoại về quyền con người
Với tinh thần chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam đã tham gia vào một số cơ chế quốc tế và khu vực về quyền con người; đã mở nhiều kênh đối thoại quyền con người (bao gồm ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân), với nhiều quốc gia và tổ chức khu vực; các cuộc hội thảo quốc te về quyền con người đã được tổ chức ở Việt Nam. Thực tiễn hợp tác trên lĩnh vực quyền con người đã cung cấp nguồn lực và kinh nghiệm quý, góp phần giải quyết tốt nhiều vấn đề cụ thể. Cũng thông qua hợp tác quốc tế đã giúp các đối tác hiểu rõ hơn cách tiếp cận và thực tiễn bảo đảm, thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam.
- Phê phán các quan điểm sai trái trên lĩnh vực quyền con người, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm quyền con người
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập của đất nước, các quan điểm sai trái đang hàng ngày, hàng giờ tác động vào tư tưởng, tình cảm của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên, trí thức, đồng bào theo đạo và đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta.
Trong bối cảnh các thế lực thù địch đang ráo riết lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền chống phá sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ta, Đảng chỉ rõ, cuộc đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người hiện nay thực chất là cuộc đấu tranh giai cấp gay gắt. Vì thế, các cấp, các ngành, các địa phương cần “Thường xuyên nắm chắc tình hình, dự báo kịp thời âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch sử dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để can thiệp, gây sức ép, chống phá ta.
Trong giai đoạn phát triển mới, cần tiếp tục phát huy dân chủ phải đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương và đề cao đạo đức xã hội. Phê phán những biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức. Xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng dân chủ để làm mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và những hành vi vi phạm quyền dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân. Phát hiện và khắc phục kịp thời những thiếu sót, khuyết điểm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quyền con người được pháp luật quy định.
Tóm lại, vấn đề quyền con người và bảo đảm quyền con người ở Việt Nam là một trong những vấn đề trọng tâm, có ý nghĩa chiến lược của cách mạng Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta ghi nhận và bảo vệ quyền con người không chỉ trong Hiến pháp mà còn được quy định trong hệ thống pháp luật. Đảm bảo thực hiện tốt quyền con người ở Việt Nam cũng thể hiện bản chất ưu việt của chế độ xã hôị chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đang phấn đấu xây dựng.

Tài liệu tham khảo
  1. Ban Chỉ đạo về nhân quyền của Chính phủ, Văn phòng Thường trực (2012), Tài liệu tổng kết Chỉ thị số 12 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta, Nxb. Chính trị - Hành chính, Hà Nội.
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam (1987), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quấc lần thứ VI, Nxb.Sự thật, Hà Nội.
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Cương lĩnh xây đựng đất nước trong thời kỳ quả độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb.Sự thật, Hà Nội
  4. Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quổc lần thứ VIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  7. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  8. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  9. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  10. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đạỉ hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội
 
[1]  Đảng Cộng sản Việt Nam (1987), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quấc lần thứ VI, Nxb.Sự thật, Hà Nội, tr.112.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Cương lĩnh xây đựng đất nước trong thời kỳ quả độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb.Sự thật, Hà Nội, tr.19.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quổc lần thứ VIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.130.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.134
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.113
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.76
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.169
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đạỉ hội đại biếu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.27-28.

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 1.5 - 4 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây