ĐOÀN VIÊN CHI ĐOÀN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TÂY NINH ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC, LÃNG PHÍ TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Chủ nhật - 29/12/2024 12:07 28 0
ĐOÀN VIÊN CHI ĐOÀN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TÂY NINH ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC, LÃNG PHÍ TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Th.S Nguyễn Thị Thu Hường
Khoa Lý luận cơ sở
* Tóm tắt:
Thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ của mỗi công dân Việt Nam, đặc biệt là cán bộ đảng viên và đoàn viên thanh niên phải luôn tiên phong và gương mẫu trong việc thực hiện “thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí”, làm cho tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh ăn sâu vào ý thức của mọi người, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Nhận thức rõ nhiệm vụ ấy, trong thời gian qua, đoàn viên Chi đoàn Trường Chính trị đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
* Từ khóa: đoàn viên chi đoàn, Trường Chính trị Tây Ninh, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Hiện nay, các cấp, các ngành đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Từ thực trạng hiện nay cho thấy, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên vẫn còn tồn tại không ít những hạn chế; tiết kiệm, chống lãng phí chưa thực sự trở thành ý thức tự giác của mỗi người. Đối với đoàn viên thanh niên, dù hoạt động ở bất kỳ lĩnh vực nào đều phải sử dụng tài chính, vật tư, phương tiện công. Những thứ đó đều là tài sản của Nhà nước; xuất phát từ mồ hôi, công sức, sự đóng góp của Nhân dân. Vì vậy, đoàn viên thanh niên có trách nhiệm tiết kiệm chi tiêu, nâng cao hiệu quả sử dụng vật tư, tài chính từ những việc nhỏ nhất trong công việc hằng ngày. Ý thức được điều đó, đoàn viên Chi đoàn Trường Chính trị tích cực đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lan tỏa tinh thần này, góp phần làm cho việc học tập và làm theo Bác trở thành ý thức tự giác của mỗi người.
1. Thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí là nhiệm vụ quan trọng, có nghĩa chiến lược trong giai đoạn hiện nay
Thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí là để xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể vững mạnh; tạo điều kiện để cách mạng mau đi tới thắng lợi. Thực hiện tốt cuộc đấu tranh chống tham nhũng giúp chính quyền trở nên trong sạch hơn, xứng đáng với lòng tin tưởng và sự hy sinh của chiến sĩ và đồng bào; củng cố niềm tin của Nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí “giúp chúng ta dành dụm từng đồng xu thành những số vốn lớn. Nó vít kín các lỗ thủng, các khe hở, không để của cải dành dụm của chúng ta bị hao hụt, phân tán. Như vậy mới dồn được phần lớn vốn của Nhà nước vào việc công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa[1]
Thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí là để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, tạo nên sức mạnh của văn hóa và đạo đức của một dân tộc. “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh mẽ về tinh thần, là một dân tộc văn minh và tiến bộ”[2]. Theo Hồ Chí Minh “phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công”[3] “nhiệm vụ của quần chúng là phải hăng hái tham gia phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Chiến sĩ xuất công, nhân dân xuất của để đánh giặc, cứu nước. Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ “giặc ở trong lòng. Nếu chiến sĩ và nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình”[4]. Thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí là để góp phần tăng cường giáo dục, kỷ luật, kỷ cương trong Đảng. Hồ Chí Minh coi thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí là một cuộc vận động cách mạng. “Trong cuộc vận động này, giáo dục là chính, làm cho những người đã phạm lỗi có dịp để thật thà “cải quá tư tân”. Đồng thời phải có kỷ luật thích đáng đối với những kẻ ngoan cố, không chịu ăn năn sửa chữa; đồng thời khuyến khích những người tốt càng tận tụy và càng gương mẫu trong việc phục vụ nhân dân” [5]; làm cho mọi người nâng cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần làm chủ, ý thức bảo vệ của công; giúp cho cán bộ, đảng viên giữ gìn phẩm chất cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí có ý nghĩa rất quan trọng trong xây dựng đời sống mới. Theo Hồ Chí Minh, tiết kiệm để phục vụ cho kháng chiến và kiến quốc, tăng thêm tiền vốn xây dựng đất nước, làm cho lực lượng mọi mặt của đất nước tăng lên, góp phần nhanh chóng đưa nước ta ra khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Người viết “Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội phải khắc phục khuyết điểm, tức là phải tăng gia sản xuất, tiết kiệm, chống lãng phí, bảo vệ của công” [6].
2. Đoàn viên Chi đoàn Trường Chính trị Tây Ninh thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo Hồ Chí Minh, khi quần chúng hiểu rằng, tiết kiệm vì lợi ích của họ, chống lãng phí cũng vì chính bản thân họ, quần chúng nhân dân sẽ tự ý thức mà khinh ghét sự lãng phí. Người căn dặn: “Cán bộ phải ra sức tuyên truyền giải thích và làm gương mẫu. Khi mỗi một đồng bào đều hiểu rằng tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm tức là yêu nước, tức là ích nước lợi nhà, thì phong trào ấy nhất định sẽ lan rộng ăn sâu, nhất định sẽ thành công tốt đẹp”[7]. Đoàn viên thanh niên Trường Chính trị Tây Ninh gồm đoàn viên ở khối giảng viên, khối phòng chức năng. Với lợi thế trong thực hiện nhiệm vụ, đoàn viên là giảng viên có điều kiện tăng cường giáo dục và tuyên truyền các thông điệp về tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, và lãng phí. Đoàn viên đã phát huy lợi thế này để thông tin rộng rãi đến học viên học tập tại trường thông qua những bài giảng và lồng ghép các nội dung về tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí vào các buổi thảo luận trên lớp.
Thứ hai, Chi đoàn phát động những phong trào thi đua về tiết kiệm, chống lãng phí, nhiệm vụ của đoàn viên là phải hăng hái tham gia phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu; từ trên đến dưới phải đồng tâm hiệp lực để thắng lợi trong các phong trào này. Đoàn viên chi đoàn xây dựng các chương trình và phong trào cụ thể như: “Đoàn viên thanh niên tiết kiệm”: Khuyến khích các đoàn viên thực hành tiết kiệm trong mọi mặt của cuộc sống hàng ngày như tiết kiệm điện, nước, và tài nguyên. Đặc biệt là hoạt động thu gom giấy báo cũ tại cơ quan được tiến hành thường xuyên hằng quý trong nhiều năm qua.



Hay “Nói không với tham nhũng và tiêu cực”: Tạo ra các hoạt động nhằm nâng cao ý thức đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chẳng hạn như tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi để giúp nâng cao ý thức của đoàn viên Chi đoàn.
Thứ ba, trong công tác tổ chức và quản lý: Bí thư và Phó Bí thư Chi đoàn cần tăng cường giám sát và kiểm tra: Thành lập ban kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp tiết kiệm và chống tham nhũng. Xây dựng hộp thư phản ánh và góp ý: để đoàn viên có thể phản ánh các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, cần khuyến khích và tôn vinh những gương điển hình, khen thưởng các đoàn viên có thành tích xuất sắc trong việc thực hành tiết kiệm và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Chia sẻ câu chuyện thành công: tổ chức các buổi gặp mặt, giao lưu để các gương điển hình chia sẻ kinh nghiệm, câu chuyện của mình. Thực hiện công bằng trong bổ nhiệm: đảm bảo mọi quyết định liên quan đến nhân sự đều được thực hiện công khai và đề án nhân sự được Đảng ủy Nhà trường thông qua trước khi trình Đại hội tại các nhiệm kỳ.
Thứ tư, xây dựng môi trường làm việc minh bạch, công bằng: minh bạch hóa các thông tin như công khai minh bạch các thông tin về tài chính, áp dụng các phần mềm quản lý để theo dõi, giám sát tài chính, tài sản và các hoạt động của tổ chức Đoàn một cách hiệu quả, sổ thu và chi của Chi đoàn qua từng tháng trên phần mền quản lý thu chi của Trung ương đoàn; Các quyết định, kế hoạch hoạt động của tổ chức Đoàn phải được các đoàn viên chi đoàn tham gia góp ý, xây dựng trước khi ban hành.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày Bác đi xa về với cõi vĩnh hằng nhưng tư tưởng, đạo đức, phong cách cũng như tấm gương mẫu mực của Người vẫn luôn tỏa sáng, soi đường, chỉ lối cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân học tập và làm theo. Việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong giai đoạn hiện nay góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng; xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ, đảng viên kỷ cương, liêm chính, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Đội ngũ đoàn viên cần đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí để xây dựng hình tượng người cán bộ đoàn có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức và năng lực tốt, có tâm, có tầm, đảm bảo năng lực để đáp ứng yêu cầu trước mắt của tổ chức Đoàn và nhiệm vụ công tác tại cơ quan đơn vị.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011.
2. Chuyền đề Học tập và làm theo đạo đức phong cách Hồ Chí Minh năm 2024, Tỉnh ủy Tây Ninh
 
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr 128.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr 466.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.7, tr.362.
[5]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.13, tr.419
[6]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.11, tr.110.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.10, tr.545-546.
 

 






 

Tác giả: Quản trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây