KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM VÀ VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN

Thứ ba - 24/12/2024 07:28 133 0
KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN  VIỆT NAM VÀ VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN
Người viết: Nguyễn Thị Thu Hường
Khoa: Lý luận cơ sở
 
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 / 22/12/2024) là dịp để chúng ta cùng nhìn lại chặng đường đấu tranh, xây dựng và trưởng thành của lực lượng vũ trang cách mạng - một đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu và phục vụ. Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định: Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội cách mạng, “đội quân chiến đấu, đội quân công tác và sản xuất”. [1]

 1. Lịch sử hình thành và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ sáu (11/1939), lần thứ bảy (11/1940), đặc biệt là Hội nghị Trung ương lần thứ tám (5/1941) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp chỉ đạo, Đảng Cộng sản Việt Nam (lúc đó lấy tên là Đảng Cộng sản Đông Dương) đã quyết định chuyển hướng cách mạng, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, xúc tiến xây dựng căn cứ địa, chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân: Tháng 12/1944, trên cơ sở lực lượng chính trị của cách mạng đã phát triển mạnh và lực lượng vũ trang nhân dân đang hình thành, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, Nguyên Bình, Cao Bằng (nay thuộc xã Cẩm Lý, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng) [2]. Thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, trên cơ sở các đội vũ trang cách mạng ở Việt Bắc, ngày 22/12/1944, tại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập.

Thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, Quân đội ta còn nhỏ bé, nhiệm vụ chủ yếu là tuyên truyền, hỗ trợ lực lượng chính trị và vũ trang ở các địa phương, đẩy mạnh phong trào cách mạng; chiến đấu chống thực dân, phong kiến, làm nòng cốt cho toàn dân tiến hành khởi nghĩa. Các đội viên của đội tỏa đi khắp các địa phương, tuyên truyền, vận động, tổ chức và huấn luyện hàng chục đội vũ trang ở địa phương, đây chính là lực lượng nòng cốt cho toàn dân trong khởi nghĩa từng phần và tổng khởi nghĩa. Chưa đầy một năm sau khi thành lập, từ đội quân còn hết sức nhỏ bé với muôn vàn khó khăn, song với ý chí quyết chiến quyết thắng, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, Quân đội ta đã lớn mạnh, là lực lượng nòng cốt, tin cậy của Đảng và nhân dân, cùng toàn dân làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Quân đội nhân dân đã cùng toàn Đảng, toàn dân ra sức xây dựng và bảo vệ Nhà nước non trẻ, đập tan âm mưu bạo loạn của các thế lực phản động, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ vững chắc chính quyền cách mạng vừa mới thành lập, đẩy mạnh xây dựng lực lượng, chuẩn bị trường kỳ kháng chiến.

Kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp bùng nổ. Trước một đội quân nhà nghề, được trang bị vũ khí hiện đại, quán triệt đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình là chính, kế thừa và phát huy nghệ thuật quân sự của cha ông, dựa chắc vào nhân dân, tìm lối đánh thích hợp, Quân đội nhân dân Việt Nam đã làm phá sản chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp, buộc địch phải đánh lâu dài, khoét sâu thế yếu của chúng, làm cho mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán của địch ngày càng trầm trọng; quân số địch tăng bao nhiêu cũng không đủ, càng đánh càng lâm vào thế bị động, càng đánh càng thua.

Từ những đội Dân quân tự vệ, Quân đội nhân dân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, từ du kích chiến tiến lên vận động chiến, công kiên chiến, vừa đánh vừa bổ sung, phát triển nghệ thuật quân sự, từ đánh nhỏ lên đánh lớn, từ đánh du kích lên đánh chính quy.

Trải qua chín năm kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh, lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của địch, với thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ, quân và dân Việt Nam đã buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, lập lại hòa bình ở Đông Dương, rút quân về nước, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nêu một tấm gương sáng cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Lần đầu tiên trên thế giới, ở một nước thuộc địa, một đội quân nhỏ bé, trang bị thô sơ đã đánh bại quân đội nhà nghề của một đế quốc thực dân.

Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, việc xây dựng Quân đội nhân dân hùng mạnh, tiến dần từng bước lên chính quy, hiện đại được đẩy mạnh. Dự báo đúng ý đồ chiến lược của chủ nghĩa đế quốc, sớm muộn cũng phải trực tiếp đương đầu với quân đội Mỹ hùng mạnh nhất thế giới, Quân đội nhân dân Việt Nam đã từng bước được xây dựng ngày càng vững mạnh, có sức chiến đấu cao. Cùng với sự nỗ lực của toàn dân, toàn quân, sự giúp đỡ to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, Quân đội nhân dân Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc về mọi mặt, trở thành trụ cột vững chắc cho cuộc đấu tranh bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong cuộc đụng đầu lịch sử này, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam không chỉ dám đánh, quyết đánh mà còn biết đánh thắng. Quân đội nhân dân Việt Nam càng đánh càng mạnh, từng bước vô hiệu hóa sức mạnh của địch, làm cho chúng không phát huy được ưu thế của vũ khí, trang bị hiện đại, bị căng kéo khắp các chiến trường, càng kéo dài chiến tranh càng bị mất khí thế chiến đấu.

Qua thực tiễn chiến đấu, chiến lược, chiến thuật, nghệ thuật tác chiến của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng sắc bén, hoàn hảo, làm thất bại các chiến lược chiến tranh cùng với các hình thức chiến thuật như “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của địch. Cùng với quân, dân miền Nam, quân và dân miền Bắc cũng liên tục đánh bại các đợt tiến công và những nỗ lực chiến tranh cao nhất của hải quân và không quân Mỹ. Lực lượng pháo binh, tên lửa, không quân Việt Nam chiến đấu đạt hiệu suất cao chưa từng có trong lịch sử chiến tranh, đã tiêu diệt nhiều loại máy bay, tàu chiến hiện đại của địch.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quân đội nhân dân Việt Nam lại bước vào cuộc trường chinh mới, chiến đấu giành thắng lợi trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và làm nghĩa vụ quốc tế, giúp nhân dân Lào bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, thực hiện công cuộc hồi sinh dân tộc.
Bước vào thời kỳ đổi mới, trước những thay đổi phức tạp của tình hình trong nước, quốc tế, phát huy truyền thống trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, Quân đội nhân dân Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, luôn kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân Việt Nam đã lựa chọn. Bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” được tôi luyện qua hai cuộc kháng chiến và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, mãi mãi tỏa sáng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Từ khi thành lập đến nay, Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, trưởng thành, cùng toàn dân vượt qua mọi khó khăn, thử thách, lập nên những chiến công hiển hách, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam là lịch sử chiến đấu oanh liệt và thắng lợi vẻ vang của một quân đội cách mạng, mang bản chất của giai cấp công nhân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.

Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã ghi dấu trong lịch sử dân tộc với những chiến công lừng lẫy. Từ khi được thành lập với 34 chiến sĩ đầu tiên, quân đội ta đã trở thành lực lượng chủ lực trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, và toàn vẹn lãnh thổ. Những chiến thắng vang dội trong lịch sử như chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 đã chứng minh sức mạnh, ý chí kiên cường của quân đội ta. Đó là kết tinh của lòng yêu nước, sự hy sinh anh dũng và tinh thần đoàn kết của toàn dân tộc.

2. Sự hy sinh thầm lặng trong thời bình của quân đội nhân dân Việt Nam
Nếu như trong thời chiến, những người lính anh dũng ngã xuống để giành lại hòa bình cho đất nước, thì trong thời bình, họ vẫn tiếp tục là biểu tượng của sự hy sinh, cống hiến thầm lặng. Từ những nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trong bão lũ, đến việc giúp đỡ đồng bào vùng sâu, vùng xa xây dựng cuộc sống, hình ảnh các chiến sĩ quân đội luôn gắn bó mật thiết với nhân dân.

Những câu chuyện về những người lính hy sinh trong lúc thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai, bảo vệ rừng, giữ gìn biên cương đã khiến chúng ta không khỏi xúc động. Có những người lính đã mãi mãi nằm lại trong những cơn lũ dữ hay nơi địa đầu Tổ quốc. Sự ra đi ấy không chỉ để lại niềm tiếc thương vô hạn mà còn là bài học lớn lao về tinh thần trách nhiệm, tình yêu quê hương đất nước, và ý chí phục vụ nhân dân.

Những năm gần đây, hình ảnh các chiến sĩ dầm mình trong bão lũ, sẵn sàng xả thân để cứu dân đã trở thành biểu tưởng đẹp của tình quân dân. Có những đồng chí đã mãi mãi nằm lại trong các trận lũ lịch sử để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Trong mọi hoàn cảnh, những người lính ấy luôn có mặt sớm nhất và cũng về sau cùng để giúp dân, chính quyền khắc phục hậu quả bão lũ… Sự xuất hiện của “các chú bộ đội” luôn khiến người dân yên tâm hơn hẳn bởi niềm tin của họ “Có bộ đội đến là dân được cứu rồi”. Người chiến sĩ sẵn sàng nhường cơm sẻ áo cho dân trong những ngày bão lũ thực sự làm ấm lòng người dân vùng lũ. Họ là lực lượng xung kích trên mọi mặt trận, tiếp thêm niềm tin cho người dân vượt qua khó khăn trong mưa lũ. Những người lính lấm lem trong bùn đất, dầm mình trong dòng lũ xiết, chênh vênh trên những chiếc xuồng phao với bao hiểm nguy nhưng họ vẫn tiến về phía trước, chấp nhận sự hy sinh để ứng cứu người dân vùng lũ làm bao trái tim xúc động. Những bữa ăn vội, những giây phút chợp mắt trên đống đổ nát cũng rất vội vàng bởi những người lính biết ngoài kia người dân đang chờ được tiếp tế lương thực, được giải cứu, và đâu đó dưới đồng bùn đất kia có những người dân vô tội bị bùn đất vùi lấp cần được đưa về. Và niềm hy vọng được tái sinh của những người dân được đưa lên từ đống đổ nát thúc giục những người lính cụ Hồ không ngừng miệt mài tìm kiếm. Khi bão lũ đi qua, những người lính Cụ Hồ lại tiếp tục có mặt ở những địa phương bị thiệt hại nặng nề để giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất. Và trong cuộc chiến chống lại thiên tai khốc liệt, đã có người lính hy sinh, sẵn sàng xả thân, quên mình vì đồng bào, vì Nhân dân.
Các chiến sĩ dầm mình trong nước lũ để tìm kiếm những nạn nhân mất tích trong vụ lũ quét ở Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.
Ảnh: VTC NEWS
Hình ảnh người lính dù trong thời bình vẫn luôn phải trải qua nhiều thử thách, gian lao. Đối với những người lính, sự lựa chọn con đường binh nghiệp vinh quang và tự hào cũng có nghĩa là kiên cường, dũng cảm vượt qua mọi thách thức và hy sinh cuộc sống riêng tư. Với các anh, nhiệm vụ góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc là tôn chỉ, mục tiêu tối thượng. Người lính luôn sát cánh cùng nhân dân vượt qua mọi khó khăn, giữ vững an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia; thể hiện vai trò chủ lực, tinh thần quyết liệt trong phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Nơi biên cương, hải đảo, người lính “quân hàm xanh” luôn vận dụng linh hoạt các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp cùng các lực lượng chức năng xây chắc thế trận lòng dân, không ngừng chăm lo đời sống đồng bào vùng biển qua nhiều mô hình dân vận hiệu quả, thấm đẫm tình quân dân.
Quân đội nhân dân Việt Nam có nhiệm vụ chính trị là sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu chống xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc; đồng thời, tham gia bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Quân đội nhân dân Việt Nam đã xây dựng trưởng thành lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, cùng với toàn dân bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân là dịp ôn lại truyền thống hào hùng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
 
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2023, t.24, tr.847.
[2] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Tập 3. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 665 – 666.
[3] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Tập 14. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 435.
 

Tác giả: Quản trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây