NHẬN DIỆN CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH ĐỐI VỚI CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN, TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Thứ năm - 10/04/2025 16:08 65 0
                                                        ThS. Phạm Thị Cẩm Lài
                                                                        Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng
 
Từ khi ra đời năm 1930, Đảng ta đã khẳng định, nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (năm 1991), Đảng đã bổ sung tư tưởng Hồ Chí Minh vào nền tảng đó. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng, Hiến pháp năm 2013 và nhiều văn kiện các kỳ Đại hội Đảng đều khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”[1] Sự khẳng định đó phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam qua hơn 90 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng. Việc kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã giúp cho cách mạng Việt Nam gặt hái được nhiều thành tựu to lớn cả trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước.
Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ cùng với sự phát triển bùng nổ của mạng Internet, các mạng xã hội toàn cầu và những vấn đề nảy sinh từ mặt trái của kinh tế thị trường; các thế lực thù địch, phản động có những chiêu thức, thủ đoạn mới chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng với tần suất ngày càng nhiều, mức độ ngày càng cao, biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp. Mục đích của chúng là nếu chưa xóa bỏ được chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thì cũng tạo nên sự mơ hồ, hoài nghi, tạo điều kiện cho các trào lưu tư tưởng phi vô sản, xấu độc thâm nhập, ăn sâu vào đời sống xã hội và đội ngũ cán bộ, đảng viên; gây ra những tác động tiêu cực và hậu quả khó lường, làm tổn hại to lớn đến quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Do đó, nhận diện và đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của Đảng.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả làm rõ quan điểm sai trái, thù địch và nhận diện quan điểm sai trái, thù địch đối với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay.
Quan điểm sai trái là quan điểm không đúng, thậm chí khác biệt, đối lập với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Quan điểm sai trái có tính chất và mức độ khác nhau, từ chưa đồng thuận đến bất đồng với quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; từ việc phủ nhận một số quan điểm trên một số vấn đề vấn đề nhất định đến phủ nhận tất cả những quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Quan điểm sai trái thường cổ súy cho những tư tưởng, suy nghĩ, hành vi tiêu cực nhằm làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ. Quan điểm sai trái còn xuyên tạc, bóp méo sự thật nhằm làm cho người khác hiểu sai và a dua theo họ, tích tụ những tư tưởng tiêu cực dần dần tạo nên sự bất bình trong xã hội. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến quan điểm sai trái, có thể do trình độ nhận thức còn thấp, do ngộ nhận, do phương pháp nhận thức không đúng của chủ thể,...
Quan điểm thù địch là những quan điểm, lập trường có chủ đích đi ngược lại và đối lập hoàn toàn với quan điểm, lập trường chính thống của Đảng Cộng sản Việt Nam, là những quan điểm phủ nhận và đối lập với lập trường giai cấp công nhân, với lợi ích của quốc gia, dân tộc Việt Nam, nhằm chống lại lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Tất cả những ai, cá nhân hay tổ chức, nhà nước hay tổ chức phi chính phủ, hợp pháp hay bất hợp pháp, ở trong nước hay ở ngoài nước, người Việt Nam hay người nước ngoài …với mục đích chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hoạt động chống phá ta trên lĩnh vực tư tưởng, chính trị đều là thành phần của “các thế lực thù địch”.
Để xác định quan điểm sai trái, thù địch căn cứ vào các tiêu chí sau:
Thứ nhất, quan điểm đó không đúng về mặt khoa học, nghĩa là nó không phản ánh một vấn đề khoa học thực sự, không mang lại một giá trị khoa học thực sự; đối tượng mà nó phản ánh là không rõ ràng; mang nặng tính chủ quan, thiên kiến, tư biện và thiếu tính khách quan khoa học trong phương pháp xem xét; luận giải thiếu tường minh, ngụy biện, thiếu tính tin cậy.
Thứ hai, quan điểm đó không đúng về mặt thực tiễn. Ở đây không phải là thực tiễn chung chung trừu tượng, cũng không phải là thực tiễn mù quáng hay thực tiễn của những cá nhân hoặc nhóm người đơn lẻ. Đó là thực tiễn cách mạng sáng tạo và đổi mới của đất nước, dân tộc và nhân dân; là thực tiễn được soi sáng, dẫn dắt bởi lý luận tiên phong của thời đại; là thực tiễn phổ quát được lặp lại “hàng nghìn triệu lần” bởi đông đảo quần chúng nhân dân đã và đang tiến hành hoạt động một cách hữu ích và hiệu quả vì sự phát triển của đất nước, sự tiến bộ xã hội.
Thứ ba, quan điểm đó không đúng về mặt chính trị (lập trường giai cấp). Về thực chất, quan điểm đó không xuất phát từ lợi ích, lập trường của giai cấp công nhân, của dân tộc Việt Nam; đi ngược với lợi ích quốc gia - dân tộc và nhân dân ta. Hoặc có đại diện cũng chỉ là đại diện cho nhóm nhỏ, bộ phận, không phải đại diện cho toàn bộ giai cấp công nhân, nhân dân hay toàn bộ quốc gia - dân tộc Việt Nam.
Có thể chỉ ra một số quan điểm sai trái, thù địch đối với chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh như sau:
Đối với chủ nghĩa Mác - Lênin: Các thế lực thù địch ra sức phủ nhận và cho rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, viện dẫn chủ yếu vào 4 lý do: Thứ nhất, Mác - Lênin ra đời từ những điều kiện kinh tế - xã hội của thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX nên không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay; Thứ hai, chủ nghĩa xã hội hiện thực được xây dựng theo học thuyết của Mác, Ăngghen, Lênin ở Liên xô và các nước Đông Âu đã bị sụp đổ, hiện thực sụp đổ có nghĩa là lý thuyết sai lầm; Thứ ba, điều kiện kinh tế và xã hội ở các nước tư bản phát triển được cải thiện rất nhiều so với  các nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, chứng tỏ chủ nghĩa tư bản là ưu việt; Thứ tư, một loạt sai lầm, khuyết điểm mà các nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa trong đó có Việt Nam, đã và đang mắc phải, chứng tỏ lý luận về chủ nghĩa xã hội là sai lầm và lỗi thời.
Trong triết học: Họ phê phán phép biện chứng duy vật mácxít là phương pháp đại ngụy biện, “nói thế nào cũng được”. Phủ nhận học thuyết hình thái kinh tế - xã hội - xương sống của chủ nghĩa duy vật lịch sử. Họ cho rằng hình thái kinh tế - xã hội chỉ là một lý thuyết về chủ nghĩa xã hội không tưởng, không bao giờ thực hiện được, theo đó, sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Đông Âu, Liên Xô là một tất yếu, được dự báo trước, có căn nguyên từ lý thuyết hình thái kinh tế - xã hội nói trên. Phủ nhận học thuyết đấu tranh giai cấp của C. Mác, phủ nhận vai trò động lực đấu tranh giai cấp trong xã hội có sự phân chia giai cấp. Phủ nhận lý luận mácxít về con người: cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin đề cao quyền tập thể, phủ nhận quyền cá nhân, tức phủ nhận quyền con người.
Trong kinh tế chính trị: Phủ nhận học thuyết giá trị thặng dư của C. Mác, cho rằng học thuyết đó không còn đúng trong điều kiện hiện nay, khi mà chủ nghĩa tư bản đã tự điều chỉnh và thích nghi, quan tâm nhiều hơn tới người lao động, quan hệ bóc lột giữa tư bản và lao động cũng không còn như trước nữa, công nhân cũng không còn là “vô sản” như trước đây, một bộ phận công nhân đã gia nhập tầng lớp trung lưu, có mức sống khá. Ở nhiều nước tư bản, một số công nhân đã có cổ phần và trở thành cổ đông trong các công ty cổ phần, họ cũng là một thành phần tham dự phân phối lợi nhuận, v.v..
Trong chủ nghĩa xã hội khoa học: Phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Cho rằng giai cấp công nhân không có đủ trình độ, năng lực và điều kiện để lãnh đạo xã hội. Chúng đưa ra lập luận rằng: nếu nói giai cấp công nhân có sứ mệnh lịch sử là “người đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản”, xây dựng một xã hội mới thì tại sao ở những nước tư bản phát triển, có lực lượng công nhân rất đông, chất lượng cao, cho đến nay vẫn không làm được vai trò lịch sử của mình; hoặc chúng đề cao vai trò của đội ngũ trí thức trong thời đại cách mạng khoa học công nghệ phát triển, cho rằng đội ngũ này mới có khả năng lãnh đạo cách mạng theo con đường tư bản chủ nghĩa… Ngoài ra, chúng còn cho rằng ở Việt Nam công nghiệp chưa phát triển, số lượng và chất lượng giai cấp công nhân bị hạn chế, Đảng Cộng sản Việt Nam không thể gọi là Đảng của giai cấp công nhân được, nó có rất ít tính công nhân mà mang đậm tính nông dân, chịu ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa phong kiến. Với những điều kiện như trên, giai cấp công nhân và Đảng Cộng sản Việt Nam không thể lãnh đạo, xây dựng được chủ nghĩa xã hội đích thực ở Việt Nam. Đối với chủ nghĩa xã hội chúng cho rằng, chủ nghĩa xã hội khoa học là học thuyết “viển vông”, đem áp dụng vào thực tế chỉ sinh ra những “quái thai của lịch sử”. Mô hình chủ nghĩa xã hội mà C. Mác đưa ra là “ảo tưởng”, không bao giờ thực hiện được.
Đối với tư tưởng Hồ Chí Minh: Sau khi Đại hội VII của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thì ngay lập tức các chuyên gia chống Đảng Cộng sản Việt Nam và những phần tử cơ hội đưa ra những ý kiến xuyên tạc, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh, kể cả việc vu cáo, bịa đặt, hòng bôi nhọ đời tư của Người, hạ thấp uy tín và vai trò của Người. Sự công kích, chống phá của các thế lực thù địch, phản động thường tập trung vào những điểm chính sau:
- Thứ nhất, Hồ Chí Minh có học vấn uyên thâm, kinh nghiệm thực tiễn phong phú, nhưng không phải là nhà tư tưởng.
- Thứ hai, Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc, tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc là rất sâu sắc, nhưng không có tư tưởng về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
- Thứ ba, Hồ Chí Minh không có tư tưởng riêng, mà chỉ sao chép nguyên bản, áp dụng khiên cưỡng chủ nghĩa Mác - Lênin hoặc đi trên “cỗ xe” Nho giáo lỗi thời để đến với chủ nghĩa Mác - Lênin.
- Thứ tư, tư tưởng và đạo đức HCM đã lỗi thời, do vậy cần phải tìm học thuyết, tư tưởng “hiện đại” khác thì Việt Nam mới có thể vận dụng và phát triển được.
Ngoài ra, một số phần tử chống phá chủ nghĩa xã hội ở nước ta còn tung ra luận điểm cho rằng, việc Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam “du nhập”  chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam là một “sai lầm lịch sử”, chỉ đưa đến “tai họa”; việc du nhập chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam đã gây ra cảnh “nồi da nấu thịt” suốt mấy chục năm, “đưa đất nước Việt Nam vào vòng tăm tối, trì trệ”.
Quan điểm khác cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin do C.Mác, Ph.Ăngghen sáng lập, được V.I.Lênin phát triển là sản phẩm của sự phát triển kinh tế, văn hóa của châu Âu là chủ yếu. Mà đó lại là châu Âu cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Do vậy, đối với châu Âu hiện nay thì nó không còn phù hợp. Đối với châu Á thì càng không phù hợp. Bởi lẽ, châu Á có sự phát triển kinh tế khác, có trình độ văn hóa, cùng phong tục, tập quán khác châu Âu. Do vậy, chủ nghĩa Mác - Lênin không phù hợp với Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Triều Tiên,... Tư tưởng Hồ Chí Minh lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng, cơ sở, do vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng không thể và không nên vận dụng vào Việt Nam. Vì vậy, không nên lấy học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng cho dân tộc Việt Nam.
Từ những vấn đề nêu trên cho thấy việc nhận diện, đấu tranh và bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình hiện nay là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài, và vô cùng cấp thiết đối với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Để nhận diện đúng các quan điểm sai trái, thù địch, cần phải dựa chắc vào thế giới quan và phương pháp luận mácxít, đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân, xuất phát từ lợi ích quốc gia, dân tộc, bình tĩnh, tỉnh táo xem xét, xử lý thấu đáo vấn đề; không được đơn giản, hời hợt, vội vàng.
Đối với đội ngũ giảng viên trường Chính trị có vai trò quan trọng góp phần vào sự thành công trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đối với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Để thực hiện được đều đó, đòi hỏi người giảng viên phải thường xuyên tự đối mới mình, cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ lý luận khoa học, thường xuyên đổi mới các phương pháp giảng dạy và đặc biệt phải lồng ghép quá trình giảng dạy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, truyền tải đến học viên những kiến thức cơ bản, kiến thức thực tiễn dễ hiểu, dễ tiếp thu và dễ thực hành. Giảng viên cần chủ động, tích cực tham gia đấu tranh, chống lại các luận điệu sai trái, tư tưởng phản động của các thế lực thù địch đối với  chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thông qua các bài giảng của mình. Thông qua hoạt động giảng dạy với những phương pháp dạy học tích cực, hiện đại, tăng cường sự tương tác giữa người dạy và người học, một mặt tiếp tục khẳng định giá trị vĩnh hằng của chủ nghĩa Mác - Lênin; mặt khác, định hướng, bồi dưỡng, giác ngộ cho người học về nội dung, hình thức, phương pháp đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch một cách khoa học, bài bản, thực chất, hiệu quả.

 
 
 
[1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (2011), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 88.

Tác giả: Quản trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây