ThS. Nguyễn Quốc Khánh
Khoa Lý luận cơ sở
Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Nhận thức tầm quan trọng đó, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng;... Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang làm thay đổi mọi mặt của đời sống xã hội, công nghệ thông tin, truyền thông phát triển nhanh chóng, con người dễ dàng tiếp cận mọi thông tin thông qua Internet, mạng xã hội trở thành môi trường trao đổi thông tin, tác động mạnh mẽ tới tư tưởng, nhận thức người dùng. Hiệu quả của mạng xã hội là không thể phủ nhận, nhưng mặt trái của nó là công cụ để các thế lực thù địch, tổ chức phản động, đối tượng cơ hội chính trị tuyên truyền những thông tin xuyên tạc, sai sự thật, phát tán thông tin xấu độc nhằm tấn công vào nền tảng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ trương, chính sách, vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo tại Việt Nam; tung tin, cắt ghép hình ảnh, pha trộn thông tin thật - giả, vu khống liên quan đến đời tư, sức khỏe, phát biểu của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhằm chia rẽ, gây mất đoàn kết nội bộ, làm giảm lòng tin của Nhân dân. Những thông tin sai trái, thù địch, xấu độc gây tâm lý hoang mang, ngờ vực, làm suy giảm lòng tin vào vai trò lãnh đạo của Đảng, đó là thách thức lớn đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay.
Đánh giá xu thế tất yếu của thời đại ngày nay, Đảng ta đã linh hoạt, sáng tạo trong chuyển hướng đấu tranh từ phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mặt trận tư tưởng, lý luận theo hình thức truyền thống là chủ yếu sang kết hợp với hình thức đấu tranh phản bác trên không gian mạng. Đảng ta đã quán triệt và thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương về đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin chính thống nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và mỗi người dân để kịp thời nhận diện, phân biệt đúng - sai, tốt - xấu, tạo nên “sức đề kháng” trước những thông tin xấu độc, những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Đấu tranh phản bác, ngăn chặn các quan điểm sai trái, xuyên tác trên mạng xã hội là quá trình lâu dài, phức tạp, vì vậy mỗi công dân cần có thái độ khách quan, nhìn nhận trách nhiệm này theo hướng chủ động, tăng cường đối phó, đấu tranh, ngăn chặn để giảm thiểu tác hại, ảnh hưởng tiêu cực chứ không thể tiêu diệt nó một cách triệt để. Chỉ khi nhận thức được như vậy, sẽ có được thái độ và hành vi ứng xử phù hợp trong môi trường thông tin số, thích ứng với nó và có giải pháp lâu dài. Đại hội XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp trong công tác xây dựng Đảng: “Chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, đúng định hướng để phòng, chống “diễn biến hòa bình”, thông tin xấu, độc trên internet, mạng xã hội”[2].
Để tăng cường hiệu quả bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng cần tăng cường sự phối hợp của các cơ quan chức năng, ban hành hệ thống văn bản có tính pháp quy, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan báo chí, các trang mạng xã hội tham gia đấu tranh, phòng chống quan điểm sai trái, thù địch. Báo điện tử và mạng xã hội là kênh tuyên truyền và đấu tranh phản bác các thông tin sai trái hiệu quả vì có lượng lớn người đọc, dễ tiếp cận, cần mạnh dạn tạo các diễn đàn mở để trao đổi trực tuyến các ý kiến, quan điểm khác biệt. Từ đó, triển khai tranh luận, giải thích với những người có ý kiến, quan điểm khác biệt, hoặc phản bác những quan điểm thù địch, chống đối chế độ. Đây cũng là diễn đàn để một mặt tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, mặt khác, nhân dân có thể tham gia trao đổi, thảo luận hoặc phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Hệ thống báo điện tử và mạng xã hội có vai trò định hướng thông tin, dư luận xã hội, vì thế cần tăng cường sự lãnh đạo, quản lý nhà nước đối với hệ thống báo điện tử. Sớm khắc phục tình trạng sai tôn chỉ mục đích, đưa quá nhiều mảng tối của đời sống chính trị, tạo “mảnh đất” để các thế lực thù địch, cơ hội chính trị dễ dàng lợi dụng, khai thác thông tin, nói xấu chế độ. Bên cạnh đó, báo điện tử và mạng xã hội cần đẩy mạnh tuyên truyền về những tiến bộ, thành tựu đổi mới toàn diện của đất nước; tăng cường tuyên truyền những thành tựu của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp phần nâng cao nhận thức và niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí nhằm làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh; việc xử lý các tội phạm trong các vụ đại án tham nhũng thể hiện rõ chủ trương chống tham nhũng không có vùng cấm, bất kỳ người đó là ai. Vì vậy, cần có định hướng rõ ràng để báo điện tử và mạng xã hội có thế mạnh vào cuộc, tham gia một cách chủ động trong gợi mở, định hướng, dẫn dắt và chi phối thông tin tích cực trên không gian mạng. Đây là cách tốt nhất để thực hiện phương châm “xây” và “chống”, trong đó lấy “xây” là chính, nhằm nhân cái đẹp, dẹp cái xấu, lấy thông tin tích cực để đẩy lùi thông tin tiêu cực, xấu độc.
Mỗi công dân, đặc biệt là cán bộ, đảng viên cần xác định ý thức trách nhiệm với Tổ quốc, với Đảng trong mỗi phát ngôn, mỗi hành động trên mạng xã hội nhằm tham gia có hiệu quả, thiết thực vào công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng. Đồng thời, mỗi cá nhân có thể lựa chọn những hành động phù hợp như tham gia viết bài, thảo luận, phát biểu ý kiến hoặc chia sẻ những bài viết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng, tuy nhiên cần lưu ý không chia sẻ những bài viết chưa được kiểm chứng hoặc bài viết có thông tin sai trái. Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng là nhiệm vụ cấp thiết, thường xuyên, lâu dài với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, của mỗi công dân góp phần làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch./.
Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 33.
Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.234.