Bài tham luận sinh hoạt khoa học

Thứ ba - 07/05/2019 04:59 273 0

THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG

THẢO LUẬN CỦA HỌC VIÊN CÁC LỚP TRUNG CẤP

LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ - HÀNH CHÍNH.

 

1. Đặt vấn đề

          Thảo luận và giảng dạy là hai hoạt động có mối quan hệ khắng khít với nhau, bổ trợ nhau, có vai trò quan trọng như nhau, quyết định đến kết quả đào tạo. Thảo luận trong học tập là quá trình trao đổi, tương tác giữa người dạy và người học hoặc giữa người học với nhau để làm sáng tỏ các vấn đề học tập, nghiên cứu. Thảo luận trong các chương trình đào tạo thường được bố trí song song với các giờ giảng lý thuyết. Mục đích của thảo luận giúp cho học viên kiểm nghiệm lại quá trình tiếp thu kiến thức trong các giờ học lý thuyết, đồng thời thúc đẩy học viên tự tìm tòi để củng cố kiến thức cho bản thân.

          Trong chương trình Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính, thảo luận được bố trí sau khoảng 2-3 chuyên đề giảng. Đây là thời gian giúp cho cả giảng viên và học viên trao đổi, làm rõ được các nội dung còn thắc mắc, chưa hiểu rõ, hoặc nội dung còn mâu thuẫn giữa lý thuyết và thực tế. Qua trao đổi và chia sẽ thông tin trong hoạt động thảo luận, giảng viên và học viên tích lũy được nhiều kiến thức thực tiễn, thống nhất về cách hiểu các nội dung lý luận, đồng thời phát huy được tính sáng tạo trong vận dụng các kiến thức đã học vào thực tiễn công tác.

          Xuất phát từ tầm quan trọng của thảo luận, trong chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính, BGH Trường rất quan tâm đến chất lượng thảo luận, xem đây là một giải pháp giúp nâng cao chất lượng đào tạo của các trường chính trị.

2. Thực trạng thảo luận của học viên các lớp Trung cấp lý luận Chính trị - Hành chính tại Trường Chính trị tỉnh Tây Ninh

          Trường Chính trị tỉnh Tây Ninh từ năm 2015 đến nay, trung bình mỗi năm mở hơn 10 lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính cả trong và ngoài kế hoạch. Số lượng học viên được đào tạo vào khoảng 5.480 người. Đa số học viên đều làm việc trong hệ thống chính trị các cấp, các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh, phần còn lại công tác ở các ngành đặc thù trên địa bàn tỉnh.

          Trong mỗi chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính, thảo luận chiếm ít nhất 1/3 tổng số tiết. Ở các tiết thảo luận, lớp sẽ được chia thành 02 nhóm, được bố trí ở 02 hội trường khác nhau, do 02 giảng viên điều hành, hướng dẫn.

          Cách thức thảo luận được tiến hành như sau: đầu tiên, giảng viên cho câu hỏi (hoặc chủ đề) sau khi kết thúc chuyên đề giảng để học viên chuẩn bị trước; tiếp theo, học viên thảo luận trên lớp theo chủ đề gợi ý hoặc bất cứ nội dung gì liên quan đến các chuyên đề đã được nghe giảng; cuối cùng, giảng viên hướng dẫn chốt lại kiến thức lý thuyết và thực tế.

          Nhìn chung, các buổi thảo luận ở Trường Chính trị tỉnh Tây Ninh được thực hiện theo đúng quy định về số tiết, hình thức, cách thức theo hướng dẫn của Học viện Chính trị Quốc gia. Giảng viên được phân công thảo luận đảm bảo yêu cầu về năng lực chuyên môn và kỹ năng điều hành thảo luận tại lớp học. Học viên được giao chuẩn bị nội dung thảo luận trước nên quá trình thảo luận có nhiều ý kiến hay, tính thực tế cao.

          Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động thảo luận đối với các lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính ở Trường Chính trị tỉnh Tây Ninh chưa đạt được chất lượng theo yêu cầu của Học viện Chính trị Quốc gia. Nội dung trao đổi, chia sẽ không nhiều. Các chủ đề thảo luận mang nặng tính lý thuyết, thiên về giải đáp câu hỏi thi, chưa khai thác yếu tố thực tiễn công tác của học viên. Số lượng học viên tham gia phát biểu rất khiêm tốn. Các phương pháp thảo luận chưa đa dạng, chưa phù hợp với từng đối tượng học viên. Hiệu quả ứng dụng các kiến thức thông qua thảo luận không cao, minh chứng đơn giản nhất là phần liên hệ thực tiễn trong bài kiểm tra, bài thi rất yếu, đôi khi liên hệ lạc đề.

          Những tồn tại trong hoạt động thảo luận do nhiều nguyên nhân tác động, bao gồm các nguyên nhân liên quan đến nội dung thảo luận, năng lực của giảng viên, tinh thần, thái độ của học viên và sự quan tâm của lãnh đạo đối với hoạt động thảo luận. Cụ thể:

          Thứ nhất, xuất phát từ sự phát triển nhanh chóng của xã hội làm cho các vấn đề xã hội, chính trị, kinh tế có nhiều biến đổi, nếu không nắm bắt kịp thời sẽ bị "trễ", "bị lạc hậu" thông tin làm cho học viên không đủ thông tin để hình thành ý kiến cá nhân. Bên cạnh đó là tâm lý "ngại", ngại nói trước đông người, ngại nói những thông tin không đúng, thông tin lỗi thời.

          Thứ hai, học viên không am hiểu về chủ đề thảo luận. Chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính hiện tại được thiết kế cho cán bộ, công chức ở cơ sở là chủ yếu. Tuy nhiên, đối tượng học viên trên thực tế ở đa ngành, đa lĩnh vực, có những ngành đặc thù như công an, quân đội, hải quan, bảo hiểm xã hội, ...v.v.. Các chủ đề thảo luận nếu không tính toán đến đối tượng học viên sẽ làm cho học viên lúng túng vì bản thân chưa trải nghiệm hay công tác trên các lĩnh vực có liên quan đến chủ đề thảo luận.

          Thứ ba, học viên không đầu tư tìm hiểu nội dung trước khi thảo luận. Trước khi thảo luận, các phần học đều thiết kế giờ tự học để học viên nghiên cứu, chuẩn bị các nội dung thảo luận, nhưng học viên không quan tâm hoặc chuẩn bị rất sơ sài. Có trường hợp lớp phân công người chuẩn bị để đại diện lớp phát biểu. Việc không đầu tư cho nội dung thảo luận làm cho khi thực hiện thảo luận học viên không có ý để nói, nội dung thảo luận nghèo nàn, không khí thảo luận nặng nề, kiến thức thu về phải nhờ giảng viên giảng, minh họa lại giống như đang giảng lại bài cũ.

          Thứ tư, giảng viên hướng dẫn thảo luận chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế, nhất là giảng viên trẻ. Vì giảng viên hướng dẫn thảo luận phải chia nhỏ chủ đề thảo luận, đặt câu hỏi gợi mở để học viên phát biểu, đồng thời phải có tình huống minh họa để học viên hiểu nên yêu cầu giảng viên vừa có kinh nghiệm giảng dahy, vừa có kinh nghiệm thực tế. Các khoa thường bố trí giảng viên trẻ thảo luận, nhưng kinh nghiệm thực tế của giảng viên trẻ còn quá ít sẽ là thách thức lớn để giảng viên sẽ điều hành buổi thảo luận có hiệu quả. Bên cạnh đó, sự thành thục về phương pháp cũng giúp giảng viên điều hành buổi thảo luận sinh động, lôi cuốn học viên tham gia phát biểu nhiều hơn.

          Thứ năm, công tác chuẩn bị giáo án thảo luận chưa được thực hiện nghiêm túc. Các giảng viên ngoài soạn giáo án giảng bài còn phải soạn giáo án thảo luận theo quy định của Học viện. Đa phần giảng viên soạn chưa đúng quy định, một số giảng viên không soạn. Soạn giáo án thảo luận giúp giảng viên chủ động, chuẩn bị được kỹ càng nội dung thảo luận. Một buổi thảo luận có thể có nhiều chủ đề mang tính 'xuyên bài", "xuyên môn", nếu không chuẩn bị sẽ làm cho giảng viên khó khăn trong điều hành, đặc biệt là khi chốt nội dung thảo luận vì nội dung kiến thức lúc "chốt" phải chuẩn để tạo cách hiểu thống nhất cho học viên.

          Thứ sáu, công tác đánh giá giảng viên chưa quan tâm đến đánh giá hướng dẫn học viên thảo luận. Đối với đánh giá công tác chuyên môn, hàng năm, các khoa chỉ tổ chức dự giờ giảng lý thuyết, ít dự đánh giá các buổi hướng dẫn thảo luận của giảng viên. Công tác kiểm tra giáo án thảo luận cũng chưa thực hiện thường xuyên và đồng bộ giữa các khoa.

3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng thảo luận của học viên các lớp Trung cấp lý luận Chính trị - Hành chính tại Trường Chính trị tỉnh Tây Ninh

          Từ thực trạng trên, để chất lượng thảo luận của học viên các lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính hiện nay tại Trường Chính trị tỉnh Tây Ninh được nâng cao, BCH nhà trường, lãnh đạo các khoa, tập thể giảng viên và học viên cần phải thực hiện một số biện pháp sau đây:

          Đối với BGH nhà trường, cần ban hành quy chế đánh giá giảng viên với các tiêu chí cụ thể về giảng dạy và thảo luận. BGH định kỳ và đột xuất dự thảo luận của giảng viên, có đánh giá kết quả và góp ý cho giảng viên rút kinh nghiệm. Ban hành quy chế nghiên cứu thực tế và tổ chức các buổi làm việc thực tế tại cơ sở hoặc các cơ quan, đơn vị, tổ chức cho giảng viên tham gia. Tổ chức các hội thảo khoa học cấp trường với đa dạng các nội dung của các phần học. Yêu cầu giảng viên trẻ tham gia đề tài khoa học cấp cơ sở, xét tiêu chí điểm cộng trong đánh giá giảng viên để tạo động lực cho giảng viên tìm tòi, nghiên cứu, cập nhật kịp thời các kiến thức thực tiễn.

          Đối với lãnh đạo khoa, thực hiện bố trí giảng viên có thâm niên giảng dạy cao hướng dẫn thảo luận, khi bố trí giảng viên trẻ cần bố trí giảng viên hỗ trợ hoặc theo dõi, kiểm tra chất lượng thảo luận để góp ý cho giảng viên trẻ. Thường xuyên tổ chức các buổi trao đổi chuyên môn trong khoa, định hướng cách vận dụng kiến thức lý thuyết để lý giải các hiện tượng, vấn đề từ thực tiễn. Mỗi năm, các khoa cần thực hiện từ 02 đề khoa học cấp khoa trở lên hoặc ít nhất 01 đề tài cấp cơ sở, cơ cấu giảng viên trẻ làm thư ký đề tài để tăng kinh nghiệm vận dụng thực tiễn.

          Đối với tập thể giảng viên, cần nâng cao ý thức tự giác học tập, tự nghiên cứu, tìm tòi các kiến thức lý thuyết và thực tiễn. Về kinh nghiệm thực tiễn, mỗi giảng viên cần xác định linh hoạt nhiều cách nắm thông tin như trao đổi trực tiếp với học viên, trao đổi với địa phương, cơ quan, đơn vị hoặc trao đổi với các đồng nghiệp hoặc các chuyên gia để hiểu vấn đề toàn diện và cụ thể hơn. Các giảng viên cần chủ động đăng ký đi nghiên cứu thực tế, sau khi nghiên cứu thực tế nên viết bài nghiên cứu khoa học. Về nghiệp vụ, kỹ năng thảo luận cần thường xuyên trao dồi các phương pháp thảo luận, chuẩn bị giáo án thảo luận trước khi lên lớp, thực hiện kết nối với học viên, khuyến khích học viên trao đổi, chia sẽ trong quá trình thảo luận.

          Đối với học viên, học viên cần chủ động nghiên cứu và chuẩn bị nội dung thảo luận trước khi lên lớp. BGH nhà trường đã có quy định học viên phải chuẩn bị trước nội dung thảo luận nhưng trên thực tế học viên không làm tốt khâu này đẫn đến chất lượng trao đổi, thảo luận trên lớp rất thấp. Thời gian tới, để thực hiện tốt quy định này, giảng viên phải tích cực kiểm tra công tác chuẩn bị thảo luận của học viên, nhà trường cần có hình thức khuyến khích đối với những học viên chuẩn bị và tham gia thảo luận tốt.

          Tóm lại, thảo luận đối với học viên của Chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính vừa có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo vừa có ý nghĩa thiết thực để làm rõ phương châm giáo dục của Đảng ta là "lý luận đi đôi với thực tiễn". Thảo luận là một "kênh" để kết nối kiến thức lý thuyết và thực tiễn hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp. Vì vậy, BCH nhà trường, lãnh đạo các khoa, tập thể giảng viên và học viên cần phải quan tâm nhiều hơn, đầu tư nhiều hơn cho hoạt động thảo luận. Qua thực trạng hoạt động thảo luận đối với học viên của Chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính thời gian vừa qua, tác giả đưa ra một vài kiến nghị giải pháp, rất mong nhận được ý kiến đóng góp của đồng nghiệp và quý bạn đọc./.

Người viết: Ths. Trần Ngọc Hưởng

Khoa Nhà nước - Pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây