SỰ CẦN THIẾT PHẢI TIẾP TỤC ĐỔI MỚI TƯ DUY LÝ LUẬN CỦA ĐẢNG VỀ GIẢI QUYẾT MỐI QUAN HỆ GIỮA XÂY DỤNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Thứ tư - 25/05/2022 04:04 1.822 0
Th.s Lê Bá Giang
Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng
Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, trong xây dựng có bảo vệ, có bảo vệ thì mới xây dựng được, lực lượng xây dựng cũng là lực lượng bảo vệ và ngược lại. Mối quan hệ giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa phản ánh quy luật mang tính biện chứng, cốt lõi về đường lối đổi mới của Đảng cần phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Sự cần thiết phải tiếp tục đổi mới tư duy lý luận của Đảng về mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay
Thứ nhất, xuất phát từ sự thay đổi âm mưu chiến lược của chủ nghĩa đế quốc trong việc chống phá các nước xã hội chủ nghĩa. Âm mưu cơ bản, lâu dài của chúng là xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận những thành tựu của 35 đổi mới đất nước, … Để thực hiện những âm mưu đó, các thế lực thù địch, phản động sử dụng rất nhiều chiến lược, trong đó có chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ trên tất cả các lĩnh vực để thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ bên trong nội bộ ta để đi đến chuyển hóa Đảng, chuyển hóa chế độ.
Thứ hai, bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn, nhất là nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội; những mặt trái của kinh tế thị trường, …
Thứ ba, xuất phát từ nhận thức và thực trạng giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bên cạnh những kết quả đạt được, việc giải quyết mối quan hệ này còn những hạn chế, bất cập như: những biểu hiện chệch hướng xã hội chủ nghĩa trong xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường; tệ quan liêu, nạn tham nhũng, sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân; mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp; …
Thứ tư, xuất phát từ tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, những biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, sự trỗi dậy của chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng ngày càng nổi lên trong quan hệ quốc tế, các nước đang phát triển, nhất là các nước nhỏ đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Đại hội XIII của Đảng đã nhận định: “Thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường chính trị, an ninh quốc tế”[1]
Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á tiếp tục là trung tâm phát triển năng động, có vị trí địa kinh tế - chính trị chiến lược ngày càng quan trọng trên thế giới. Đồng thời, đây cũng là khu vực cạnh tranh chiến lược giữa một số nước lớn có nhiều nhân tố bất ổn. Tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo trong khu vực và trên Biển Đông tiếp tục diễn ra gay gắt, phức tạp.
Xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực; tạo ra thời cơ và thách thức với mọi quốc gia, dân tộc. Hội nhập quốc tế làm gia tăng sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các nước, nhất là sự phụ thuộc về kinh tế, chính trị. Khi đó, quốc gia bị lệ thuộc vào các nước lớn sẽ bị chi phối, áp đặt về mọi mặt, từ kinh tế, chính trị, văn hóa đến an ninh, quốc phòng, … nguy cơ đánh mất quyền tự quyết của quốc gia, dân tộc là rất lớn. Vì vậy, Đảng ta luôn xác định, hội nhập là quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh, chủ động dự báo, xử lý linh hoạt mọi tình huống, không để rơi vào thế bị động, đối đầu, bất lợi.
Tất cả những vấn đề trên đòi hỏi Đảng phải tiếp tục đổi mới tư duy lý luận giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong quá trình đổi mới.
  Thực trạng giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa qua 35 năm đổi mới đất nước
 Kết qủa thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược
 Thứ nhất, thành tựu cơ bản, bao trùm trong giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là đã bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nền văn hóa dân tộc, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; qua 35 năm đổi mới đất nước, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ hai, Nhận thức về kết hợp xây dựng chủ nghĩa xã hội với bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đã được nâng lên rõ rệt, ngày càng đầy đủ và toàn diện hơn, đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ ba, trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta đã chú ý nhiều hơn đến nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đã có sự kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh và ngược lại, trong các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và từng địa phương đã chú trọng đến việc kết hợp giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với bất cứ chương trình, dự án kinh tế nào. Việc kết hợp giữa hai nhiệm vụ chiến lược này đã được triển khai toàn diện, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Thứ tư, nhờ giải quyết tốt mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân được xây dựng ngày càng chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại; thế trận quốc phòng nhân dân, an ninh nhân dân được triển khai rộng khắp, chặt chẽ và liên hoàn; củng cố được “thế trận lòng dân”. Đã xây dựng, củng cố các khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) vững mạnh cả về quốc phòng, an ninh và chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, vừa bảo đảm cho yêu cầu bảo vệ và tác chiến tại chỗ, vừa nằm trong thế trận liên hoàn phòng thủ quốc gia, đồng thời tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội của tỉnh (thành phố) phát triển.
Thứ năm, chúng ta đã có bước phát triển tư duy mới về “đối tác” và “đối tượng”, bảo vệ Tổ quốc có bước phát triển mới và ngày càng hoàn thiện. Sự kết hợp giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại ngày càng chặt chẽ và hiệu quả.
Thứ sáu, sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường. Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp quốc phòng, an ninh”[2]
Bên cạnh kết quả đạt được, việc kết hợp thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa còn một số hạn chế nhất định:
Một số cấp, ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân còn biểu hiện nhận thức chưa đầy đủ, toàn diện và sâu sắc về kết hợp giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; chưa thấy được mối quan hệ biện chứng giữa nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; chưa nhận thức rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Không ít đơn vị kinh tế, doanh nghiệp không muốn thực hiện việc kết hợp giữa xây dựng với bảo vệ Tổ quốc, giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh hoặc không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quốc phòng và an ninh ở cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp. Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “nhận thức của một số cán bộ các cấp, các ngành về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới chưa thật đầy đủ, sâu sắc”[3].
Trong quá trình tổ chức thực hiện, có lúc, có nơi còn biểu hiện tách rời giữa xây dựng và bảo vệ; chưa thấy rõ sự ổn định và phát triển mọi mặt đời sống xã hội là nền tảng vững chắc của quốc phòng - an ninh; chưa giải quyết hài hòa lợi ích kinh tế và lợi ích quốc phòng, an ninh; còn có biểu hiện tuyệt đối hóa nhiệm vụ xây dựng, coi nhẹ nhiệm vụ bảo vệ hoặc ngược lại.
Việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, các kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế có lúc, có nơi còn làm ảnh hưởng đến yêu cầu củng cố, xây dựng cơ sở xã hội và thế bố trí chiến lược quốc phòng, xây dựng thế trận của nền quốc phòng toàn dân.
Một số cấp ủy, chính quyền chưa tổ chức thật tốt việc kết hợp giữa hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ, kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh, chưa thấy hết trách nhiệm của mình trong vấn đề này.
 Một số yêu cầu đặt ra
 Để giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, cần chú trọng:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao chất lượng giáo dục quan điểm của Đảng về mối quan hệ giữa xây dựng chủ nghĩa hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới nhằm tạo ra sự chuyển biến sâu sắc, toàn diện trong nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hai là, tiếp tục kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ba là, tiếp tục nắm bắt kịp thời sự vận động của xu thế quốc tế để bổ sung, phát triển đường lối đối ngoại, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại trong việc giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bốn là, chú trọng giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Trong đó về chính trị là xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, chú trọng bảo vệ Cương lĩnh, đường lối, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và bảo vệ lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; xây dựng, phát triển và bảo vệ nền văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong các chính sách xã hội, tính bền vững trong chính sách xã hội; xây dựng và bảo vệ tiềm lực và thế trận quốc phòng nhân dân, an ninh nhân dân; hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện nhằm tăng cường thế và lực cho đất nước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Năm là, tiếp tục khắc phục nhận thức lệch lạc trong việc tách rời giữa xây dựng và bảo vệ, tuyệt đối hóa mặt này hay mặt kia. Cần xác định rõ xây dựng là phương thức hữu hiệu nhất để bảo vệ, xây dựng đất nước phát triển bền vững, khắc phục những yếu kém, suy thoái, chệch hướng, tụt hậu chính là tạo điều kiện, tiền đề vững chắc cho bảo vệ Tổ quốc. Bảo vệ được xem là tạo ra môi trường, điều kiện hòa bình, ổn định để phát triển đất nước bền vững. Đẩy mạnh đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch về mối quan hệ giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa có mối quan hệ biện chứng với nhau, trở thành quy luật của cách mạng Việt Nam. Trong quá trình đổi mới đất nước cần phải nắm vững và giải quyết tốt mối quan hệ này, có như vậy mới góp phần vào việc đảm bảo đúng đích đến là chủ nghĩa xã hội. Để giải quyết tốt mối quan hệ này đòi hỏi sự nhận thức đúng đắn, toàn diện và sâu sắc của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; phải phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc cũng như kết hợp được sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
 
[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, tr.105
[2] . Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, tr. 160
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội 2016, tr.147.

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây