NHỮNG ANH HÙNG CỦA QUÊ HƯƠNG THÁI BÌNH - HUYỆN CHÂU THÀNH – TỈNH TÂY NINH

Thứ bảy - 30/07/2022 11:37 2.368 0
Tháng 7 là tháng để các thế hệ sau tri ân những anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh đã không tiếc máu xương, tuổi thanh xuân của mình hiến dâng cho quê hương, cho đất nước Việt Nam.
Trên quê hương Tây Ninh trung dũng, kiên cường có biết bao các anh hùng, thương bệnh binh, liệt sĩ đã hiến dâng thân thể, máu và nước mắt cho đất mẹ, cho Tổ quốc thân yêu. Hoà bình hôm nay đã được đánh đổi bởi những cái giá không hề nhỏ.
Xã Thái Bình, huyện Châu Thành là một vùng đất đã sản sinh ra rất nhiều những anh hùng, những con người của một thời oai hùng đã không tiếc máu xương hy sinh cho quê hương, cho đất nước, chống lại kẻ thù hung bạo. Trong những anh hùng đó, phải kể đến Phạm Văn Xuyên, Nguyễn Văn Tám, Bùi Xuân Nguyên, Bùi Văn Thuyên, Nguyễn Thành Nghĩa - những cái tên đã từng gây khiếp sợ cho giặc Mỹ xâm lược và bè lũ ngụy quân.
Anh hùng - liệt sĩ Phạm Văn Xuyên[1], sinh năm 1944 tên thường gọi là Chín Rổ, xuất thân từ gia đình bần nông, mồ côi mẹ từ nhỏ và sống trong gia đình có 9 anh chị em, nên từ nhỏ đã đi làm mướn và ở đợ chăn trâu phụ giúp thêm cuộc sống gia đình.
Năm 1961, anh xung phong vào đội cảm tử quân thị xã Tây Ninh khi mới 17 tuổi. Ngay những ngày đầu tham gia cách mạng, anh luôn hăng hái đảm nhận những mặt công tác quan trọng, nguy hiểm trong vùng kiểm soát của chính quyền Ngụy, anh tham gia chiến đấu bằng nhiều hình thức tác chiến: đánh biệt động, diệt ác trong thị xã, đánh địch trong công sự, phục kích…
Năm 1970, sau cuộc càn Đông Dương, mối liên lạc giữa cánh Tây Nam và Tây Bắc thị xã bị chia cắt. Từ đó, địa bàn hoạt động ở thị xã gặp rất nhiều khó khăn, để nối lại liên lạc, anh đã cùng một chiến sĩ đột nhập vào ấp chiến lược Mỏ Công làm nhiệm vụ móc nối xây dựng cơ sở, trong lúc tìm liên lạc, bị giặc phát hiện anh đã ngoan cường chiến đấu và anh dũng hy sinh đêm 23/11/1970.
Trong quá trình công tác, anh đã tham gia chiến đấu 32 trận, diệt được 170 tên giặc gồm bảo an, dân vệ, cảnh sát, tình báo, 11 lính Mỹ trong đó có 4 cố vấn, 17 tên ác ôn, có 5 tên khét tiếng, bắn rơi 01 trực thăng UH 1A và 01 chiếc L19. Được khen thưởng 11 bằng khen, 13 giấy khen, 2 dũng sĩ diệt Mỹ, 2 dũng sĩ diệt máy bay.
Anh hùng- liệt sĩ Phạm Văn Xuyên được Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 06/11/1978.
Anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Văn Tám [2] tên thường dùng là Nguyễn Văn Lâm, sinh năm 1949. Xuất thân trong một gia đình nghèo, đông anh em, nên từ nhỏ phải nghỉ học ở nhà phụ việc gia đình.
Năm 1965, thoát ly gia đình tham gia cách mạng tại đơn vị C2/45 thị xã Tây Ninh khi mới 16 tuổi.
Năm 1967, với tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí, lập được nhiều chiến công, anh được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam khi mới 18 tuổi.
Trong cuộc Tổng tiến công xuân Mậu Thân ngày 07/02/1968, đơn vị anh nhận nhiệm vụ phối hợp cùng với lực lượng của tỉnh mở khám đường Tây Ninh, trên đường tiến quân, đơn vị đã đi lạc vào Ty Công an Tây Ninh, tại đây đơn vị chiến đấu rất dũng cảm nhưng trước hoả lực áp đảo của kẻ thù anh đã anh dũng hy sinh. Từ khi tham gia cách mạng đến lúc hy sinh, anh hùng- liệt sĩ Nguyễn Văn Tám đã lập nên nhiều chiến công: diệt 97 tên địch gồm bảo an, cảnh sát, dân vệ, thuỷ quân lục chiến, diệt được 05 lính Mỹ và 03 tên ác ôn, thu được 8 súng các loại. Được khen thưởng 04 bằng khen do tỉnh cấp, 10 giấy khen do Thị đội cấp, 06 lần được tặng danh hiệu dũng sĩ (03 dũng sĩ xung kích, 02 dũng sĩ quyết thắng cấp II, III; 01 dũng sĩ diệt Mỹ cấp III), chiến sĩ thi đua cơ sở năm 1968.
Anh hùng- liệt sĩ Nguyễn Văn Tám được Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 06/11/1978.
Anh hùng Bùi Văn Thuyên [3], sinh năm 1940 xuất thân trong một gia đình nông dân, cuộc sống cơ cực đã tạo nên đức tính kiên nhẫn, chịu khó của anh.
Năm 18 tuổi anh tham gia hoạt động cách mạng, Bùi Văn Thuyên chính là người được tổ chức cài cắm vào Tua Hai- nơi đóng quân của một trung đoàn ngụy. Với bản tính hiền lành anh đã chinh phục được tình cảm của tên trung tá chỉ huy trưởng thành Tua Hai, thành công vào “nằm vùng” với chức danh lính gácđơco, nhờ đó giúp chúng ta nắm được bố phòng trong thành Tua Hai. Trận đánh thành Tua Hai vào đêm 25, rạng sáng ngày 26/01/1960 có công rất lớn của Bùi Văn Thuyên. Sau trận Tua Hai, Bùi Văn Thuyên ra căn cứ trở thành chiến sĩ của đơn vị C40.
Trận đánh của xã đội Thái Bình năm 1965 diệt được 8 tên Mỹ chứng minh tinh thần không sợ và quyết tâm đánh Mỹ, do anh chỉ huy, sau trận này anh cùng với nhiều chiến công khác, Bùi Văn Thuyên được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Anh hùng Bùi Văn Thuyên đã dũng cảm, mưu trí đánh giặc trên 1000 trận, anh đã bị thương 9 lần và mang trên mình 72 vết thương nặng, nhẹ, 5 năm liền là chiến sĩ thi đua, anh được huyện, tỉnh mời báo cáo thành tích, kinh nghiệm đánh Mỹ, diệt nguỵ. Ngày 20/12/1971, Đại hội anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân được tổ chức tại Bộ chỉ huy Miền, anh Bùi Văn Thuyên được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Sau khi nghỉ hưu anh hùng Bùi Văn Thuyên sinh sống ở ấp Chòm Dừa, xã Thái Bình, (nay là ấp Sa Nghe- xã An Cơ), huyện Châu Thành.
Anh hùng- liệt sĩ Bùi Xuân Nguyên [4] sinh năm 1944 (là em ruột của anh hùng Bùi Văn Thuyên), năm 20 tuổi anh tham gia cách mạng tại tiểu đoàn 14 Tây Ninh.
Suốt quá trình công tác, phục vụ cách mạng, Bùi Xuân Nguyên luôn là một tấm gương tiêu biểu cho đồng đội học tập. Từ một chiến sĩ cho đến lúc trưởng thành là cán bộ Trung đội trưởng, anh luôn gương mẫu, chấp hành mọi mệnh lệnh của cấp trên. Trong sinh hoạt, anh luôn yêu thương đồng đội, luôn sống vì tập thể, vì mọi người.
Trong suốt quá trình chiến đấu đến lúc hy sinh (1970), Bùi Xuân Nguyên đã trực tiếp tham gia chiến đấu 145 trận, diệt 130 lính Mỹ, 25 lính nguỵ, bắn cháy 11 xe tăng. Anh được tặng thưởng 02 Huân chương chiến công hạng III, 11 đạt danh hiệu dũng sĩ diệt cơ giới, 5 lần dũng sĩ diệt Mỹ.
Anh hùng- liệt sĩ Bùi Xuân Nguyên là một tấm gương tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Ngày 15/01/1976, Bùi Xuân Nguyên được Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Anh hùng Nguyễn Thành Nghĩa [5], sinh năm 1939 trong gia đình nông dân nghèo, trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, đã thôi thúc anh tham gia cách mạng khi mới 16 tuổi. Từ một chiến sĩ liên lạc cho chi bộ và xã đội xã Thái Bình, anh dần trưởng thành và được giữ các chức vụ đại đội trưởng đại đội 40 huyện Châu Thành, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 14 bộ đội tỉnh Tây Ninh rồi Tham mưu trưởng tỉnh đội Tây Ninh.
Trong chiến đấu và chỉ huy chiến đấu, anh rất dũng cảm, mưu trí, với cách đánh địch tài tình, linh hoạt đã lập được nhiều chiến công xuất sắc: Anh hùng Nguyễn Thành Nghĩa đã cùng đơn vị đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn nguỵ và 1 đồn cảnh sát, tiêu diệt 809 tên, trong đó có 104 lính Mỹ, bắt sống 120 tên ngụy, thu nhiều vũ khí, đạn dược và phương tiện chiến tranh. Tiểu đoàn 14 do Nguyễn Thành Nghĩa chỉ huy đã gây nỗi khiếp sợ cho quân Ngụy ở Tây Ninh.
Năm 1992, anh hùng Nguyễn Thành nghĩa mất tại quê nhà Thái Bình, Châu Thành, Tây Ninh.
Ngày 30/8/1995, Nguyễn Thành Nghĩa được Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Tháng 7 lại về, chúng ta càng ghi nhớ công ơn to lớn của các anh hùng, liệt sĩ, thương bệnh binh đã xả thân vì đất nước, quê hương, như lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: "Trong các cuộc đấu tranh vì độc lập tự do, và tiền đồ tươi sáng của dân tộc, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân, sẵn sàng xả thân cho Tổ quốc, dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời. "Máu đào và sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang để đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do. Hàng triệu thân nhân liệt sĩ, ông bà cha mẹ, người vợ, người chồng, người con, người cháu, anh chị em... mãi mãi không bao giờ được gặp lại những người thân yêu nhất của mình. Các anh hùng liệt sĩ, thương binh đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Tiếng thơm của các đồng chí đó sẽ muôn đời lưu truyền với sử sách. Họ chiến đấu hy sinh để Tổ quốc độc lập, tự do thống nhất và dân tộc ta mãi mãi trường tồn. Tinh thần bất diệt, tấm gương sáng ngời của họ sẽ sống mãi với non sông Việt Nam. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đời đời ghi nhớ công ơn, luôn tự hào và kế tục thành công sự nghiệp cách mạng, xứng đáng với sự hy sinh cống hiến của các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, thương binh, đồng bào, chiến sĩ cả nước”[6]./.
Tài liệu tham khảo:
[1], [2], [3], [4], [5]. Uỷ ban nhân dân tỉnh Tây Ninh: Địa chí Tây Ninh, Công ty Cổ phần in Hoàng Lê Kha, Tây Ninh, 2006, tr 609, 611, 612, 630.
[6]. https://laodong.vn/thoi-su/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-le-ky-niem-70-nam-ngay-thuong-binh-liet-si-541988.ldo
 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây