Thạc sĩ: Bùi Thị Diệp
Giảng viên khoa Xây dựng Đảng
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chính là nội dung quan trọng, cơ bản, có ý nghĩa sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn coi trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động tiếp thu tinh hoa trí tuệ của dân tộc và nhân loại, nắm vững quy luật khách quan và thực tiễn đất nước để đề ra cương lĩnh chính trị đúng đắn và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân”.
Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong thời gian qua, góp phần giữ vững và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, đồng thời đẩy lùi và ngăn chặn các âm mưu chống phá của các thế lực thù địch. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, các thế lực thù địch, phản động ngày càng tăng cường chống phá nước ta bằng nhiều thủ đoạn, vừa công khai, trắng trợn, vừa ngấm ngầm hòng phá hoại, bôi nhọ, công kích chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, nền văn hóa mới của dân tộc, các thế lực thù địch đang có sự điều chỉnh thủ đoạn chống phá hòng chuyển hóa chế độ chính trị ở Việt Nam.
Trước tình tình trên, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, Nghị quyết xác định: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”. Nghị quyết chỉ rõ, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn quân, toàn quân, là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên.
Ngày 24-9-2019, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành Hướng dẫn số 475-HD/HVCTQG-TCT về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Hướng dẫn được triển khai đến tất cả các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trường cán bộ, ngành, đoàn thể Trung ương. Hướng dẫn yêu cầu quán triệt trong đảng bộ, các chi bộ, học viên nhà trường về ý nghĩa, tầm quan trọng, vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đặc biệt, cần nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong việc quán triệt, tổ chức thực hiện, đồng thời huy động đông đảo cán bộ, đảng viên, học viên của toàn trường tham gia.
Giảng viên trường chính trị là người trực tiếp giảng dạy lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, vì vậy có vai trò vô cùng quan trọng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Thời gian qua, đội ngũ giảng viên Trường Chính trị Tây Ninh đã thực hiện tốt vai trò trong việc “bảo vệ” và “đấu tranh”. Đội ngũ giảng viên nhà trường đã thường xuyên tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như lồng ghép tuyên truyền, quán triệt nội dung Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị đến học viên qua các bài giảng trên lớp, từ đó củng cố thêm lập trường, tư tưởng, bản lĩnh chính trị cho học viên; giúp người học nhận diện được các quan điểm sai trái, thù địch để phản bác, đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc; củng cố lòng tin nhằm xây dựng thế giới quan, phương pháp luận khoa học và phẩm chất chính trị cho học viên, giúp cho họ hình thành niềm tin khoa học, từng bước tạo lập, rèn luyện, củng cố phẩm chất và năng lực chính trị, bồi đắp khả năng nhìn nhận, đánh giá khi tiếp cận các thông tin đa chiều.
Bên cạnh đó, các giảng viên nhà trường cũng không ngừng học tập, nâng cao trình độ, rèn luyện bản lĩnh chính trị và tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch bằng nhiều hình thức khác nhau như thông qua bài giảng, nghiên cứu khoa học, viết báo hay trên các trang mạng xã hội..
Để phát huy hơn nữa vai trò của giảng viên trường chính trị trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong giai đoạn tiếp theo cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, phải thường xuyên rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng. Đây là nhân tố hàng đầu quyết định và hình thành nền tảng tư tưởng chính trị của giảng viên các Trường Chính trị.
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch đang ra sức chống phá cách mạng nước ta với những luận điệu sai trái, tinh vi và xảo quyệt nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa làm cho một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên dao động, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống với những biểu hiện về phai nhạt lý tưởng cách mạng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, chạy theo danh lợi, tiền tài, địa vị... Trước thực tế, đòi hỏi giảng viên phải luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, kiên định và tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, không dao động trước khó khăn, thách thức, gương mẫu trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt phát huy truyền thống vẻ vang và làm giàu thêm bản sắc văn hóa trường Đảng: “Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; cống hiến trong thực thi công vụ; cầu thị, sáng tạo, chất lượng trong đào tạo, nghiên cứu khoa học; kỷ cương nơi công sở; văn minh trong ứng xử”. Người giảng viên phải không ngừng rèn luyện trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của mình để xứng đáng là người thầy mẫu mực. Có như vậy, những lời nói của giảng viên nói ra thì mới đủ sức thuyết phục người nghe tin và làm theo.
Thứ hai, tùy vào từng nội dung bài giảng để lồng ghép quan điểm của Đảng về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong các nội dung giảng dạy phù hợp. Muốn làm tốt điều đó thì giảng viên phải không ngừng nghiên cứu, học tập để nâng cao trình độ, nắm vững, truyền đạt đúng đắn, đầy đủ quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong từng nội dung liên quan để học viên có nhận thức đúng đắn, tránh mơ hồ, chung chung.
Thứ ba, hiện nay, khi các thế lực thù địch triệt để chống phá nước ta thông qua mạng xã hội để xuyên tạc Đảng và Nhà nước ta nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng, nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước…Vì vậy, mỗi giảng viên cần nâng cao kỹ năng, ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng Internet, mạng xã hội. Khi thể hiện ý kiến, bình luận các nội dung trên mạng xã hội, giảng viên cần dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông qua các trang mạng xã hội của mình để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với tất cả mọi người.
Thứ tư, giảng viên trường chính trị cần tích cực trong thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, thông qua các bài viết để làm sáng tỏ những nội dung của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản bác lại những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Bài viết có thể đăng ở các báo, tạp chí Trung ương và địa phương, cổng thông tin điện tử của tỉnh, trang tin điện tử của trường chính trị, tọa đàm, hội thảo,… Dù ở cách tiếp cận nào, cấp độ nào, những bài viết khoa học cũng là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, góp vào thành công của công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Như vậy, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác lại các quan điểm sai trái, thù địch là một nhiệm vụ quan trọng của hệ thống chính trị, cán bộ đảng viên và nhân dân. Trong đó, đội ngũ giảng viên trường chính trị có vai trò rất quan trọng, nếu làm tốt chức trách, nhiệm vụ được phân công, mỗi giảng viên trường chính trị sẽ là một chiến sĩ tích cực trên mặt trận tư tưởng, góp phần vào thắng lợi của công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác lại các quan điểm sai trái, thù địch.
Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự Thật, Hà Nội 1991, tr.21
Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 25-10-2018 của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.
Quyết định số 5029 – QĐ/HVCTQG ngày 26/10/2017 của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, quy định về ứng xử văn hóa của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.