THÁNG BA- NHỚ VỀ BÁC HỒ VỚI CÔNG TÁC GIÁO DỤC THANH NIÊN

Thứ ba - 29/03/2022 23:27 559 0
                                                          ThS. Lê Tuấn Thu
                                                                   Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng ở nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm tới công tác giáo dục thanh niên- những người chủ tương lai của đất nước.
Trong “Di Chúc” để lại cho Đảng, đất nước và nhân dân ta, Người căn dặn: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”[1]
Có thể nói việc xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng, bồi dưỡng những người chủ tương lai của nước nhà là công việc vô cùng quan trọng, là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, lâu dài của toàn Đảng và cả hệ thống chính trị.
Trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ đã có rất nhiều bài nói, bài viết đề cập tới mục tiêu, phương hướng, các hình thức, biện pháp cụ thể giáo dục thanh niên. Bác thường xuyên nhắc nhở: “Giáo dục thanh niên không thể tách rời mà phải liên hệ chặt chẽ với những cuộc đấu tranh của xã hội”[2], “Trong vui chơi cũng có giáo dục. Cần có những thứ vui chơi văn hoá, thể dục có tính chất tập thể và quần chúng”[3]. Trong từng giai đoạn của cách mạng, Bác Hồ đã chỉ rõ mục tiêu, nội dung của công tác giáo dục thanh niên.
          Trong thời kỳ Pháp xâm lược và đặt ách cai trị Việt Nam, trong bài viết: Gửi thanh niên Việt Nam năm 1925, Nguyễn Ái Quốc đã phải thốt lên: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên sớm già của Người không sớm hồi sinh”[4]. Tiếp sau đó, với các tác phẩm “Đường kách mệnh” (1927), “Lời kêu gọi” (1930), “Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa (1945) Bác Hồ đã đánh giá đầy đủ vị trí, vai trò của lực lượng thanh niên và đưa thanh niên vào con đường cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, tiền đồ rạng rỡ của dân tộc đã mở ra trước mắt thế hệ thanh niên. Ngay từ những ngày đầu của chế độ mới, Bác Hồ đã chỉ rõ: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên”[5]
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ luôn theo dõi chặt chẽ và khen thưởng những cố gắng về mọi mặt của thanh niên. Từ việc Bác gửi thư khen ngợi bội đội, dân công, thanh niên xung phong đã chiến thắng vẻ vang trên mặt trận Điện Biên Phủ đến thư khen thanh niên công nhân và nông dân ở hậu phương.
Khi miền Bắc chuyển sang xây dựng chủ nghĩa xã hội, Bác Hồ đã chỉ rõ: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì? mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì ích lợi nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”[6] Nhiều lần thăm hỏi, tiếp xúc với thanh niên ở các địa phương, ngành nghề khác nhau, Bác Hồ đều chỉ ra những nội dung, phương pháp cụ thể giáo dục thanh niên. Đối với thanh niên học sinh tại các trường, Bác xác định mục đích học tập “để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu nước mạnh, tức là làm tròn nhiệm vụ người chủ nước nhà”[7] Đối với thanh niên công nhân trên công trường xây dựng, Bác nhấn mạnh: “Các cán bộ, công nhân trên công trường cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức làm chủ nước nhà, ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ giao cho”[8] Ở các tỉnh biên giới phía Bắc, bác căn dặn đồng bào và nam nữ thanh niên: “Tất cả các dân tộc phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau như anh em một nhà”[9] “nâng cao tinh thần cảnh giác, giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ biên giới” góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng. Hoặc khi nói chuyện với cán bộ và đại diện những hợp tác xã tiên tiến của tỉnh Thái Bình, Bác lại nói về việc xây dựng Đảng ở cơ sở, và nhắc nhở các đồng chí lãnh đạo Đảng ở địa phương “phải chú ý phát triển Đảng vào thanh niên, không nên hẹp hòi”[10]
Trong kháng chiến chống Mỹ, bên cạnh việc ngợi khen các tấm gương thanh niên trong lao động và chiến đấu cả nước, Bác Hồ cũng đặc biệt chú ý giáo dục chủ nghĩa quốc tế vô sản cao cả cho thanh niên. Trong bức thư gửi thanh niên quân đội ta có nhiệm vụ giúp bạn trên đất nước Lào va Campuchia, Bác căn dặn: “Giúp nước bạn tức là tự giúp mình”. Bác đề ra những yêu cầu rất cụ thể về tinh thần và ý chí chiến đấu, về việc “tôn trọng phong tục tập quán”, “về giữ gìn kỷ luật từ trên xuống dưới” để làm tròn nghĩa vụ quốc tế.
Bác Hồ còn thường xuyên nêu những bài học về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu, lao động của thanh niên Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em, coi đó là những tấm gương sáng cho thanh niên Việt Nam trong cuộc đấu tranh xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Về phong trào thanh niên, Bác nói: “Đảng, Chính phủ và Bác rất chú ý đến thanh niên. Bác vui lòng khen ngợi những cố gắng của thanh niên. Nhưng sau đây là mấy điều cần phải chú ý: “Thanh niên có nhiều sáng kiến hay, gây những phong trào có ích và lúc đầu rất sôi nổi. Như thế là tốt. Nhưng phong trào cần phải liên tục và có nội dung thiết thực…”[11]
Về vấn đề phát triển Đoàn: Người còn căn dặn: “Phải củng cố tổ chức Đoàn, phải đoàn kết nội bộ thật chặt chẽ và phải đoàn kết rộng rãi các tầng lớp thanh niên”[12]. Theo Người, củng cố tổ chức đoàn là điều kiện tiên quyết để mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên. Nhưng muốn củng cố tổ chức đoàn thì trước hết phải “đoàn kết nội bộ thật chặt chẽ” để thống nhất ý chí và hành động trong nội bộ đoàn, làm cho tổ chức đoàn thật sự là tổ chức của những thanh niên tiên tiến, có lý tưởng cách mạng và phấn đấu kiên định vì lý tưởng đó
Theo Người, đoàn kết tập hợp thanh niên là mặt công tác lớn, một nhiệm vụ rất quan trọng của Đoàn. Người yêu cầu tổ chức đoàn phải nghiên cứu tìm ra những hình thức và phương pháp thích hợp để đoàn kết và tổ chức thanh niên một cách rộng rãi và vững chắc. Các hình thức và phương pháp đó vừa thu hút rộng rãi thanh niên tham gia nhưng phải được định hướng vững chắc, nghĩa là có mục tiêu phấn đấu rõ ràng, có tính ổn định và triển vọng phát triển. Theo Người, muốn củng cố và phát triển Đoàn phải liên hệ rộng rãi và chặt chẽ với các tầng lớp thanh niên. Phải quan tâm đến đời sống công tác, học tập của thanh niên và tất cả đoàn viên phải gương mẫu. Trong công tác xây dựng đoàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn lưu ý về việc phải phát triển đoàn viên về số lượng đồng thời phải coi trọng việc nâng cao chất lượng. Người dạy: Tổ chức Đoàn phải rộng hơn Đảng… cố nhiên khi kết nạp đoàn viên cần phải lựa chọn cẩn trọng những thanh niên tốt.
Về cán bộ Đoàn, Bác dạy: cán bộ Đoàn phải là “Những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề, trong những hoàn cảnh khó khăn”[13]. Tiêu chuẩn này đòi hỏi người cán bộ Đoàn phải có năng lực, trí tuệ, bản lĩnh và kinh nghiệm cao hơn quần chúng mới có thể phụ trách giải quyết các vấn đề, trong những hoàn cảnh khó khăn. Bởi vậy, Hồ Chí Minh khẳng định: “Ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải là người lãnh đạo” của Đoàn. Và người cán bộ lãnh đạo đúng đắn của Đoàn cần phải: “Khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo. Khi thi hành các nghị quyết kiên quyết, gan góc không sợ khó khăn”[14]. Như vậy, người cán bộ Đoàn phải dám nghĩ, dám làm, sáng tạo và dám chịu trách nhiệm - tức là người cán bộ Đoàn phải có bản lĩnh chính trị, có năng lực, biết suy nghĩ và vượt khó phấn đấu không ngừng để nâng cao trình độ về mọi mặt.
Những lời dạy bảo quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên thể hiện sự vận dụng sáng tạo những quan điểm lớn về công tác giáo dục, vận động thanh niên của chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta, mãi soi đường cho công tác giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ hiện nay.
Trải qua hơn 35 năm đổi mới, những thành tựu đạt được trong mọi lĩnh vực đã tác động tích cực đến thanh niên, tạo điều kiện cho họ tiến bộ về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, trình độ học vấn, khoa học công nghệ. Thanh niên đã kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng của Đảng. Trên các lĩnh vực của đời sống xã hội đã và đang xuất hiện những nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà hoạt động nghệ thuật có đức, có tài trong độ tuổi thanh niên. Nét nổi bật của thanh niên nước ta là ý chí vươn lên, tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, ham mê nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ để thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.
Tuyệt đại bộ phận thanh niên cơ bản giữ vững đạo đức cách mạng, sống trong sạch, giản dị, lành mạnh, biết vươn tới các giá trị chân, thiện, mỹ. Thanh niên sống có hoài bão, có lý tưởng, có niềm tin ở tương lai tươi sáng của dân tộc. Họ dám đấu tranh để bảo vệ cái đúng, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ sự công bằng, lên án cái xấu, cái ác như tham nhũng, lãng phí… Những tấm gương cao đẹp hy sinh thân mình vì hạnh phúc của nhân dân luôn được tuổi trẻ ngưỡng mộ, học tập và làm theo. Điều đó cho thấy, thanh niên nước ta ngày nay vẫn ý thức rõ trách nhiệm trước Tổ quốc và nhân dân, mong muốn được đóng góp vào công việc xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ kính yêu hằng mong ước.
Giáo dục rèn luyện đạo đức cách mạng cho thanh niên trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế là góp phần đào tạo, giáo dục thế hệ thanh niên vừa "hồng", vừa "chuyên", chủ nhân tương lai đưa nước nhà vững bước tiến lên con đường chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, xứng đáng với mong ước của Bác Hồ kính yêu.
Tháng ba về, chúng ta cùng ôn lại những lời dạy bảo ân cần của Bác đối với công tác giáo dục thanh niên, qua đó vận dụng vào sự nghiệp giáo dục thanh niên hiện nay - những người chủ tương lai của nước nhà./.

[1], [5], [13], [14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H. 2011, t.5, tr.120, tr 185, tr.315.
[2], [3], [6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H. 2011, t.7, tr.455, tr.456.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H. 2011, t.2, tr.133.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H. 2011, t.9, tr.179.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H. 2011, t.12, tr.86
[9], [11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H. 2011, t.13, tr.83, tr.470.
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H. 1980, tr.166
[12] Hồ Chí Minh: Về giáo dục thanh niên, Nxb.Chính trị quốc gia, H. 2011, t.2, tr.133
 

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây