Nguyễn Thanh Hằng – CV Phòng TC-HC-TT-TL
Trong lịch sử mỗi dân tộc, lịch sử lập hiến là bộ phận đặc biệt quan trọng. Công cuộc lập hiến ở Việt Nam bắt đầu từ thế kỷ XX, với sự vận động của các phong trào yêu nước đấu tranh giành độc lập, đòi dân quyền, mong sớm có một chế độ chính trị và bộ máy cầm quyền tận tụy phục vụ nhân dân. Tất cả các việc đó đều không ngoài yêu sách chung là đòi hỏi chính quyền thực dân, phong kiến xây dựng bản hiến pháp cho nước Việt Nam ta.
Đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước độc lập, chính quyền về tay nhân dân, bản hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa đã được Quốc hội khóa 1 thông qua ngay tại kỳ họp thứ 2 vào ngày 09/11/1946 (1). Đây là sự kiện chính trị-pháp lý có ý nghĩa đặc biệt, là dấu mốc quan trọng mở đầu con đường phát triển mới không chỉ của lịch sử lập hiến mà của cả dân tộc. Từ ngày giành độc lập đến nay, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, nước ta đã lần lượt xây dựng 05 bản Hiến pháp, đó là Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2001), Hiến pháp năm 2013. Các bản hiến pháp ấy kế thừa nhau và phát triển liên tục trong từng giai đoạn lịch sử của cách mạng, đưa đất nước tiến theo con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của công tác pháp luật nên Điều 8 Luật phổ biến giáo dục pháp luật năm 2017 đã quy định “Ngày 09 tháng 11 hàng năm là ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”. Đây là quy định đã chính thức pháp điển hóa lựa chọn ngày 09/11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức trước hết là nhằm tôn vinh giá trị và vai trò đặc biệt quan trọng của Hiến pháp, pháp luật trong đời sống xã hội và trong sự phát triển của quốc gia. Qua đó làm cho tinh thần thượng tôn pháp luật thấm sâu vào ý thức, hành vi của mọi người dân, mọi cơ quan, tổ chức và toàn xã hội, thúc đẩy tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền. Đây cũng là dịp để đánh giá toàn diện những kết quả đã đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật; đặt tiền đề cho công tác đổi mới tổ chức, phổ biến giáo dục pháp luật, góp phần thay đổi nhận thức, thái độ của cơ quan Nhà nước đối với nhân dân, hướng tới xây dựng hình ảnh một Nhà nước gần dân, vì dân, phục vụ nhân dân. Đồng thời, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật. Điều này được coi là một trong những tiến bộ về tư duy rất quan trọng được thể chế hóa trong Luật phổ biến giáo dục pháp luật nói chung cũng như quy định về Ngày Pháp luật nói riêng.
Bên cạnh đó, Ngày Pháp luật còn có tác dụng nhắc nhở nhân dân nghiêm chỉnh thực hiện pháp luật với hành vi, thái độ xử sự đứng đắn, thực hành tự giác với phương châm “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Đối với cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, Ngày Pháp luật là cơ hội để mỗi người tự soi mình, suy ngẫm để tự điều chỉnh trong quan hệ với nhân dân sao cho xứng đáng với sự chờ đợi và đòi hỏi của người dân, của xã hội về một Nhà nước gần dân, vì dân và về một đội ngũ công chức “Phụng công thủ pháp”.
Năm 2022 là năm thứ 10 cả nước thực hiện hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, Chính phủ đã ban hành riêng một Nghị định quy định về vấn đề này. Cụ thể, tại Nghị định 28/2013/NĐ-CP, Chính phủ quy định Ngày Pháp luật có thể được tổ chức dưới các hình thức như: Mít tinh; Hội thảo; Tọa đàm; Thi tìm hiểu pháp luật; Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lưu động, triển lãm và các hình thức khác theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
Ngoài những nội dung thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương đã linh hoạt, chủ động hướng dẫn tập trung phổ biến, giáo dục những lĩnh vực, vấn đề nóng thuộc phạm vi quản lý nhà nước được dư luận xã hội quan tâm; tổ chức phổ biến nội dung cơ bản của các luật, pháp lệnh, văn bản mới ban hành có hiệu lực năm 2021, 2022; tăng cường truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật...Bên cạnh các hình thức truyền thống, các bộ, ngành, địa phương đã chú trọng đến việc triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam trên phương tiện thông tin đại chúng, Cổng/Trang thông tin điện tử; truyền thông về Ngày Pháp luật Việt Nam qua mạng viễn thông, mạng xã hội; thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật (thi sân khấu, thi trực tuyến), tọa đàm giao lưu, đối thoại chính sách, pháp luật; lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao; tổ chức Lễ hưởng ứng 10 năm Ngày Pháp luật Việt Nam gắn với tổng kết 10 năm thực hiện Luật PBGDPL (Bộ Công an và gần 30 địa phương); tổ chức phát động thi đua và khen thưởng hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022 (Bộ Giao thông vận tải); tổ chức lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cà Mau, Tây Ninh, Bến Tre, Cao Bằng, Đồng Nai…); xây dựng phóng sự truyền hình về Ngày Pháp luật Việt Nam. Nhiều địa phương tổ chức tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý lưu động; tổ chức đối thoại chính sách với người dân và doanh nghiệp; tổ chức trình diễn văn nghệ, tiểu phẩm pháp luật; tổ chức triển lãm hình ảnh, tài liệu về xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật; tổ chức sự kiện truyền thông pháp luật tại cộng đồng, nhóm nòng cốt; tổ chức làm điểm Ngày Pháp luật Việt Nam tại một số đơn vị cấp xã và cấp huyện; lồng ghép hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam với Ngày đại đoàn kết toàn dân tộc, ngày toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; thể hiện sự sáng tạo trong khai thác có hiệu quả tủ sách pháp luật và công tác hòa giải và chuẩn tiếp cận pháp luật…(2)
Đây là các hoạt động ý nghĩa, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong cuộc sống xã hội. Qua đó, tạo sự chuyển biến về nhận thức, tư tưởng và sự đồng thuận của nhân dân trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy triệt để tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng tích cực hành động vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
|
|
|
(1) Phan Đăng Thanh- Trương Thị Hòa (2013), Lược sử lập hiến Việt Nam, NXB Tổng hợp Thành phố Thành phố Hồ Chí Minh, tr 05.