MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA TRIẾT HỌC PHƯƠNG TÂY HIỆN ĐẠI

Thứ tư - 23/06/2021 12:31 5.604 0

 

Th.S Dương Minh Ngọc Hoa - Khoa Lý luận cơ sở

Triết học phương Tây hiện đại (có thể hiểu theo nghĩa - triết học ngoài mácxít) là những học thuyết triết học phổ biến trong các nước tư bản, nhất là các nước tư bản phát triển, như Anh, Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha, Mỹ…Nó là đại diện tinh thần cho giai cấp tư sản và các lực lượng xã hội khác dưới chủ nghĩa tư bản hiện đại.

Nội dung chính của các tác phẩm triết học phương Tây hiện đại phản ánh các vấn đề của giới tự nhiên, xã hội và con người trong các hình thức khác nhau của sự triển khai tư tưởng. Xét từ góc độ thế giới quan, đa phần các quan điểm là sự biến tướng của chủ nghĩa duy tâm một cách tinh tế và uyển chuyển. Bên cạnh đó có thể thấy rằng bắt đầu từ nửa sau thế kỷ XIX triết học phương Tây ngày càng chú trọng nhiều đến phương pháp, thậm chí một số triết gia xem xét triết học từ góc độ phương pháp thuần túy, tuyên bố rằng giá trị thực sự của một học thuyết không hẳn ở những cuộc tranh luận về ý nghĩa của tồn tại, về bản chất của đời sống con người hay triển vọng của lịch sử, mà ở việc xác định xem phương pháp nào giúp chúng ta đi sâu vào tồn tại của sự vật, lột tả được bản chất của đời sống và từ đó tạo điều kiện để mỗi cá nhân tự tìm ra câu trả lời cho số phận của chính mình và của nhân loại.

Bên cạnh đó, tính đa dạng, sự muôn vẻ về chủ đề và khuynh hướng, sự đan xen, thay thế nhau giữa các học thuyết, các trường phái đã phản ánh những biến đổi nhanh chóng, phức tạp của đời sống xã hội. Những vấn đề mới liên tục xuất hiện một cách thường xuyên, thậm chí đầy bất ngờ, đòi hỏi các triết gia không ngừng tìm tòi phương thức thể hiện và đánh giá chúng. Sự đòi hỏi khách quan của các khoa học xã hội không cho phép sự ngưng đọng của tư duy, sự thần thánh hóa và tuyệt đối hóa một tư tưởng, một trường phái hay một khuynh hướng nào đó. Sự vận động không ngừng của xã hội cũng phá vỡ lớp vỏ kiên cố của các quan niệm “chính thống” đối với một thời, nhưng cũng làm cho chúng nhanh chóng hóa thân vào cuộc sống, hình thành dần những môtíp sống nhất định, mà sức lan truyền không lệ thuộc vào các điều kiện không - thời gian.

 Chẳng hạn chủ nghĩa thực dụng (Pragmatism), nếu trong giai đoạn đầu thế kỷ XX, với quan điểm cái gì hữu dụng và tiện lợi, dẫn tới thành công, thì cái đó là chân lý đã nhanh chóng trở thành đại diện không chính thức của lối sống Mỹ, khuynh đảo cả hệ thống giáo dục và tín ngưỡng của người Mỹ. Tuy nhiên, sau đó vài thập niên, nó không còn hiện diện và được truyên truyền rầm rộ như một học thuyết. Khi đó, nó đã chấm dứt sự tồn tại của mình với tính cách là một trường phái triết học, mặc dù tiếp tục tồn tại đây đó trong cuộc sống của mỗi cá nhân, hóa thân trong đường lối của một số đảng chính trị. Điều này khẳng định rằng trong triết học phương Tây hiện đại không có học thuyết nào thống trị lâu dài như trước đây, đó chính là những biểu hiện cho sự bế tắc, thiếu ổn định, thậm chí cả tình trạng khủng hoảng, mất phương hướng vẫn đang diễn ra tại các quốc gia phương Tây.

So với các học thuyết truyền thống, cổ điển, các học thuyết triết học hiện đại thường mang khuynh hướng phi duy lý và nó chi phối diện mạo đời sống chính trị, xã hội và tinh thần của các nước phương Tây. Khả năng chi phối này xuất phát từ sự bất lực của lý trí khoa học trong việc giải quyết các vấn đề nhân sinh - xã hội, từ nhu cầu tìm hiểu sâu sắc hơn đời sống nội tâm của con người và thái độ sống của họ trong thời đại khủng hoảng định hướng giá trị. Trong khuynh hướng phi duy lý mặt chủ quan của tồn tại người được đề cao, trong đó bao hàm cả chủ quan tính con người cá nhân lẫn thế giới tinh thần của con người nói chung. Sự lý giải con người một cách phiến diện có thể dẫn đến các biểu hiện của chủ nghĩa duy ý chí hoặc chủ nghĩa bi quan lịch sử: cái thứ nhất xem ý chí, từ ý chí sự sống đến ý chí quyền lực, như bản nguyên hoạt động quyết định; cái thứ hai mô tả một cách cường điệu bức tranh ảm đạm của xã hội, sự xung đột giữa xã hội và cá nhân, cá nhân và xã hội.

Những triết thuyết mới điển hình như, chủ nghĩa thực chứng, các học thuyết duy khoa học, kỹ trị,.. đã khuếch trương những tiến bộ về mặt khoa học, kỹ thuật của xã hội. Nhưng thực chất những học thuyết đó, chẳng qua là sự thể hiện tham vọng vượt qua cả chủ nghĩa duy vật lẫn chủ nghĩa duy tâm, loại bỏ hệ thống các vấn đề triết học, trong đó có vấn đề cơ bản của triết học, được đặt ra ngay từ thời cổ đại, thông qua cuộc tranh luận giữa các triết gia về vấn đề bản nguyên và bản tính của thế giới, về khả năng nhận thức thế giới cũng như cơ sở của tri thức. Và các học thuyết “mới” là sự khắc phục tính nghèo nàn và đơn điệu trong đối tượng nghiên cứu của triết học trong giai đoạn hiện nay. Nhưng xét đến cùng các học thuyết này đều không tránh khỏi các nội dung chính của triết học như: bản thể luận, thế giới quan, nhận thức luận,…

Hiện nay, mối quan tâm lớn của các triết gia hiện đại là: sự biến đổi ngày càng nhanh chóng của đời sống hiện thực, những chuyển biến phức tạp của sinh hoạt chính trị - xã hội, những vấn đề nảy sinh từ mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và với chính mỉnh, các hệ quả của tiến bộ khoa học - công nghệ, nhu cầu liên kết, hợp tác giữa các dân tộc và những mâu thuẫn mới nảy sinh. . . khiến cho những tham vọng của thứ triết học bao quát tất cả, đại diện cho tất cả, mà thời cổ điển từng tồn tại, không còn phù hợp nữa. Mỗi một điểm nóng nảy sinh từ thực tại cần có cách lý giải tương ứng, mà muốn như thế không thể không liên kết các nhà nghiên cứu từ nhiều lĩnh vực khác nhau cùng tìm ra lời đáp cho một vấn đề.

Nội dung của các triết thuyết hiện đại phản ánh một thế giới “mở”, sự bùng nổ của các khám phá khoa học, sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, kinh tế tri thức và sự xích lại gần nhau giữa các dân tộc vì những mục tiêu nhân loại chung; song đó cũng là một thế giới phức tạp, tiềm ẩn các nguy cơ xung đột giá trị, trong đó có giá trị tư tưởng, tinh thần. Khi xem xét một cách tổng quát, các học thuyết triết học hiện đại tuy đào sâu vào từng vấn đề cụ thể, vấn đề “nóng” của xã hội,…nhưng thực tế, chúng chỉ cố gắng “làm mờ” bản chất, nguồn gốc của những bất công đang tồn tại trong lòng xã hội,. Có thể nói, cho đến hiện nay, chưa có một học thuyết nào vượt qua học thuyết Mác - Lênin có thể lý giải một cách có hệ thống, khoa học, toàn diện về những vấn đề cơ bản của lịch sử - xã hội; chỉ ra nguồn gốc, bản chất của những nỗi đau của nhân loại; tìm ra con đường để xóa bỏ triệt để những “khổ đau” của con người. Nói cách khác, các học thuyết triết học phương Tây hiện đại dù đa dạng, phong phú về nội dung, hình thức, nhưng chúng chưa thể tìm ra câu trả lời đúng đắn cho việc nhân thức và cải tạo hiện thực.

Nhận diện các trào lưu tư tưởng hiện đại, giải thích một cách khách quan, khoa học nội dung và thực chất của chúng góp phần làm sáng tỏ những đặc điểm của thời đại, dự báo xu hướng vận động của lịch sử. Để từ đó, chúng ta có thể củng cố thêm niềm tin vào học thuyết của Mác - Lênin, đồng thời chủ động, tích cực đấu tranh, phản bác những luận điểm phản khoa học, phản động nhằm tấn công trực diện, phủ nhận vai trò của học thuyết Mác - Lênin đối với cách mạng xã hội. Bởi từ khi ra đời, chủ nghĩa Mác - Lênin đã liên tục bị xuyên tạc, bóp méo một cách giáo điều hay cơ hội. Đặc biệt sau khi mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu bị sụp đổ thì các thủ đoạn xuyên tạc, bóp méo chủ nghĩa Mác - Lênin lại càng lớn về quy mô, đa dạng về hình thức, nguy hiểm về tính chất và thâm độc về mức độ. Tuy nhiên, chủ nghĩa Mác - Lênin tuyệt đối không phải là thứ khoa học trừu tượng, tư biện mà là khoa học về cách mạng, khoa học của thực tiễn, với mục tiêu giải phóng con người khỏi sự chế ngự bởi “vương quốc tất yếu”, để bước tới “vương quốc tự do”, tự nó hàm chứa khả năng tự phát triển, tự sáng tạo không ngừng.

Vì vậy, khi nói kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin cũng chính là phải không ngừng phát triển nó bằng thực tiễn cách mạng sáng tạo; đồng thời, tỉnh táo chống lại một cách kịp thời và hiệu quả mọi biểu hiện của chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cơ hội và chủ nghĩa xét lại làm vấy bẩn, méo mó và xuyên tạc nó

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 2.5 - 2 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây