THỰC HÀNH DÂN CHỦ, TĂNG CƯỜNG PHÁP CHẾ, BẢO ĐẢM KỶ CƯƠNG - ĐIỂM MỚI TRONG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG VỀ GIẢI QUYẾT CÁC MỐI QUAN HỆ LỚN TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM

Thứ ba - 10/08/2021 11:53 802 0

 

                                    ThS. Lê Bá Giang

GV Khoa Xây dựng Đảng

          Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12/1986) đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, đánh dấu bước ngoặt trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đại hội VI khẳng định quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong việc tiếp tục thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đến năm 1991, giữa lúc mô hình xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu sụp đổ, Liên Xô lâm vào khủng hoảng trầm trọng, từng bước tan rã thì Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được thông qua tại Đại hội VII (6/1991) của Đảng tiếp tục khẳng định Việt Nam vẫn kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Cương lĩnh đã xác định mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng gồm 6 đặc trưng cơ bản, đồng thời đề ra 7 phương hướng để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đến Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã nêu lên 8 đặc trưng (trả lời cho câu hỏi chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là gì?) và 8 phương hướng để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta (trả lời cho câu hỏi xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam như thế nào?). Những đặc trưng, phương hướng này như là sự thể hiện tập trung nhận thức lý luận của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Điểm mới trong Cương lĩnh 2011 so với Cương lĩnh 1991 là đã nêu lên 8 mối quan hệ lớn phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, đó là: 1) Quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; 2) Giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; 3) Giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; 4) Giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; 5) Giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; 6) Giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; 7) Giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; 8) Giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ.

Đến Đại hội XII của Đảng bổ sung mối quan hệ thứ 9) Giữa Nhà nước và thị trường (đến Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII phát triển thành mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội) và đặc biệt Đại hội XIII bổ sung mối quan hệ thứ 10) quan hệ giữa “thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội”[1]. Đây là một trong mười mối quan hệ lớn nảy sinh trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, phản ánh quy luật mang tính bản chất, cốt lõi về đường lối đổi mới của Đảng. Sở dĩ Đại hội XIII của Đảng bổ sung mối quan hệ này là vì:

Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng. Dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Cương lĩnh 2011 xác định, dân chủ phải trở thành văn hóa, văn minh của xã hội xã hội chủ nghĩa. Dân chủ phải gắn liền với kỷ luật, kỷ cương, tự do không thể tách rời với trách nhiệm và được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm. Nhà nước tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân. Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân.

Dân chủ được thể hiện trong hoạt động của hệ thống chính trị, mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Đã chế định ngày càng đầy đủ hơn các thiết chế và cơ chế thực thi dân chủ. Thực hiện dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp có những chuyển biến tích cực. Thực hiện dân chủ trực tiếp ở cơ sở được đẩy mạnh.

Dân chủ trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội có những chuyển biến tích cực. Trong lĩnh vực kinh tế, các chủ thể kinh tế được tự do sản xuất kinh doanh tất cả những gì mà pháp luật không cấm, được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất kinh doanh … là thành tựu lớn nhất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển nền kinh tế. Trong lĩnh vực chính trị, các tổ chức trong hệ thống chính trị đã và đang tiếp tục được đổi mới về tổ chức và phương thức hoạt động. Tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan Đảng và Nhà nước được coi trọng hơn, “nhất là ở cơ sở, bảo đảm công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình. Người đứng đầu ở nhiều cấp ủy đảng, chính quyền đã tăng cường tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe, tiếp thu, giải quyết những bức xúc và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân[2]; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện ngày càng hiệu quả vai trò giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, Nhà nước. Lĩnh vực văn hóa, xã hội, Nhà nước bảo đảm cho Nhân dân các quyền cơ bản như quyền được thông tin, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tự do sáng tạo, quyền thảo luận và biểu quyết những vấn đề quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Nhân dân có quyền thảo luận và giám sát các dự án về an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, về hỗ trợ thiên tai … Ngoài ra, trong hoạt động lý luận khoa học đã có bước tiến, tạo điều kiện cho các nhà khoa học tự do tư tưởng, tranh luận, thảo luận, phát huy tính sáng tạo của mình, phản biện đóng góp tích cực vào việc xây dựng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Sự tham gia của người dân trong xây dựng và thực thi các cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước, giám sát các hoạt động của các cơ quan đảng, nhà nước, cán bộ, đảng viên được coi trọng và ngày càng mở rộng hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát huy dân chủ, gắn với tăng cường pháp chế, đảm bảo kỷ cương xã hội còn những hạn chế nhất định như:

Trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhận thức về dân chủ còn hạn chế, chưa coi dân chủ là bản chất, là giá trị to lớn của chế độ xã hội chủ nghĩa. Nghiên cứu lý luận và lý giải về bản chất của dân chủ và xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa chưa đầy đủ và hệ thống.

Các thiết chế và thể chế để đảm bảo dân chủ và thực thi dân chủ vẫn còn chưa được ban hành đầy đủ, đồng bộ. Việc thực hiện dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp vẫn còn hạn chế, chưa thực chất, mang tính hình thức; vẫn còn tình trạng chưa tôn trọng và bảo đảm đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân như đánh giá của Đại hội XIII: “Quyền làm chủ của nhân dân có lúc, có nơi còn bị vi phạm; vẫn còn biểu hiện dân chủ hình thức, tách rời dân chủ với kỷ cương, pháp luật”[3], thậm chí là dân chủ cực đoan, dân chủ quá trớn coi thường kỷ cương, phép nước, vi phạm đến các quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, điều này là một trong những nguyên nhân làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Dân chủ trong Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị cũng còn những hạn chế chưa được thực hiện đầy đủ. “Chế độ trách nhiệm của người đứng đầu và tổ chức đảng, chính quyền về thực hiện dân chủ chưa được quy định rõ ràng, thực hiện chưa nghiêm … Việc thực hiện dân chủ chưa trở thành một giá trị phổ biến”[4].

Từ thực trạng nêu trên, để tiếp tục giải quyết tốt mối quan hệ “thực hành dân chủ, tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội” trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục nâng cao nhận cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân về giá trị to lớn của dân chủ xã hội chủ nghĩa. Phải thực sự xem dân chủ và phát huy dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, động lực và thể chế để phát triển bền vững đất nước, là “chìa khóa vạn năng” để giải quyết mọi vấn đề.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật về thực thi dân chủ xã hội chủ nghĩa, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền làm chủ của Nhân dân. Trong đó, phải chế định rõ quyền, nghĩa vụ, lợi ích và trách nhiệm xã hội và trách nhiệm giải trình công khai minh bạch của mỗi cá nhân, tổ chức. Xây dựng hệ thống tiêu chí về dân chủ trong tất cả các ngành, lĩnh vực đi liền với đó là cơ chế giám sát thực hành dân chủ.

Ba là, xây dựng và hoàn thiện những cơ chế đảm bảo dân chủ trong Đảng và hệ thống chính trị. Nêu cao việc thực hành dân chủ trong Đảng, trong Nhà nước và cả hệ thống chính trị, tạo sự chuyển biến sâu sắc trong đội ngũ cán bộ, đảng viên đi đầu, gương mẫu trong thực hành dân chủ. Đồng thời với thực hành dân chủ là tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ để gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây phương hại đến công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Bốn là, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Tiếp tục nâng cao chất lượng các hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, nhất là vấn đề dân chủ cơ sở; khuyến khích Nhân dân tích cực tham gia giám sát và góp ý xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Công khai, minh bạch trong việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Như vậy, yêu cầu đặt ra và giải quyết mối quan hệ giữa “thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội” chính là nhằm thực hành đầy đủ chế độ dân chủ xã hộ chủ nghĩa đồng thời và không tách rời việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương xã hội, thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các quy định pháp luật, bảo đảm một trong những điều kiện căn bản cho một xã hội hài hòa, cuộc sống hạnh phúc của nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2020.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, T.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021.

3. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, GS.TS Trần Văn Phòng (chủ biên): Tổng kết sự phát triển lý luận của Đảng qua các thời kỳ đại hội thời kỳ đổi mới, Nxb Lý luận chính trị, H.2020.

4. Hội đồng lý luận Trung ương: Những điểm mới trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021.

 

           

 



[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, T.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, tr.39.

[2].  Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, T.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, tr.71.

[3]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, T.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, tr.89.

[4]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2020, tr.106.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây