PHÁT HUY TINH THẦN CHỦ ĐỘNG, SÁNG TẠO CỦA CÁCH MẠNG THÁNG 8 NĂM 1945 TRONG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19 GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Chủ nhật - 22/08/2021 10:30 223 0

 

Ngay từ khi mới ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định rõ quan điểm “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Đảng hiểu rõ rằng để đưa cách mạng đi đến thắng lợi phải do nhân dân đứng lên giải phóng cho mình. Do đó, từ khi Đảng ra đời đã kiên trì tuyên truyền, vận động, giác ngộ quần chúng, tập hợp các lực lượng yêu nước tiến bộ bằng các hình thức thích hợp trong một Mặt trận dân tộc thống nhất, nhằm phát huy đến mức cao nhất sức mạnh của cả dân tộc đấu tranh cho một mục tiêu chung là giải phóng dân tộc.

Trong quá trình lãnh đạo cuộc đấu tranh, Đảng luôn luôn giáo dục quần chúng nhân dân ý thức rõ ràng là chỉ dựa vào lực lượng của bản thân mình là chính để giải phóng dân tộc. Chiến tranh thế giới diễn ra năm 1939, trước những diễn biến mau lẹ và phức tạp của tình hình quốc tế và trong nước, Đảng ta chỉ rõ: “Bổn phận của chúng ta là phải lợi dụng khi quân Tàu hay quân Anh, Mỹ vào Đông Dương ở địa phương nào mà nổi dậy khởi nghĩa ở địa phương ấy, thành lập chính phủ cách mạng rồi nhân danh chính phủ cách mạng của nhân dân mà giao thiệp với họ. Chú ý rằng: Ta có mạnh thì họ mới chịu “đếm xỉa đến”. Ta yếu thì ta chỉ là một khí cụ trong tay của kẻ khác, dầu kẻ ấy có thể là bạn đồng minh của ta vậy. Nhất là đừng có ảo tưởng rằng: quân Tàu và quân Anh, Mỹ sẽ mang lại tự do cho ta. Không, trong cuộc chiến đấu giải phóng cho ta, cố nhiên là phải kiếm bạn đồng minh, dầu rằng tạm thời bấp bênh có điều kiện, nhưng công việc của ta trước hết ta phải làm lấy”

Ngày 14-8-1945, Nhật Hoàng tuyên bố trên đài phát thanh chấp nhận đầu hàng không điều kiện các nước Đồng minh, kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai. Trước giờ phút quyết định của lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào cả nước: 

“Hỡi đồng bào yêu quý!

Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”

Thấm nhuần quan điểm của Đảng về ý thức độc lập, tự chủ, quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là đội ngũ cán bộ, đảng viên trong cả nước đã tích cực đứng lên giải phóng dân tộc. Hà Nội và Sài Gòn đã nêu những tấm gương điển hình về tính chủ động, sáng tạo.

Mặc dù chưa nhận được lệnh khởi nghĩa của Trung ương, nhưng khi biết tin phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh, nhất là khi biết rõ khả năng trung lập của quân đội Nhật Bản qua cuộc biểu tình tuần hành ngày 17-8-1945, Đảng bộ Hà Nội đã kịp thời quyết định khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 19-8-1945.

Cũng tương tự Hà Nội, Sài Gòn đã xây dựng được một đội ngũ cách mạng của quần chúng hùng hậu làm cơ sở để khởi nghĩa giành chính quyền.

Nhìn chung trong cả nước, nhờ có tinh thần chủ động, sáng tạo, dựa vào sức mình là chính, tất cả các địa phương từ Bắc đến Nam, đều đã quyết tâm tập hợp và huy động sức mạnh của quần chúng nhân dân để tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền. Không có nơi nào, địa phương nào có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sức mạnh bên ngoài đến giải phóng cho ta.

Toàn dân Việt Nam, triệu người như một, đoàn kết, thống nhất, tiến công anh dũng, sáng tạo đã nhất loạt vùng dậy với khí thế long trời lở đất khắp từ Bắc chí Nam, đập tan gông xiềng nô lệ, giành lấy chính quyền, làm chủ vận mệnh dân tộc.

Nhìn chung, tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 nổ ra và kết thúc thắng lợi trong vòng 15 ngày. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã dẫn tới sự thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa- Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Ngày 02-9-1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”

76 năm đã trôi qua, nhưng Cách mạng Tháng Tám năm 1945 với tất cả sức mạnh bất diệt của nó đang tiếp tục tác động mạnh mẽ vào toàn bộ sự nghiệp cách mạng của nước ta ngày hôm nay. Đặc biệt là tinh thần chủ động, sáng tạo trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. 

Với tinh thần: chống dịch như chống giặc! toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, triển khai quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, linh hoạt nhiều chủ trương, biện pháp để kiểm soát đại dịch covid-19 ngay từ những ngày đầu, thực hiện mục tiêu kép vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay, các tỉnh phía Nam trong đó Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương là những tỉnh có số ca bệnh nhiễm covid nhiều nhất, chúng ta lại chứng kiến hình ảnh những đoàn quân “Nam tiến” những năm 1945- 1946 trong những màu áo Blu trắng, đó là những y bác sĩ, sinh viên y khoa, quân đội, công an chi viện cho miền Nam ruột thịt, những chuyến xe ủng hộ miền Nam…tất cả những điều đó nói lên nghĩa cử cao đẹp của dân tộc “người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt như cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020, Chỉ thị 19/CT-TTg ngày 24/4/2020, sản xuất “3 tại chỗ”, một cung đường hai điểm đến”… để vừa phòng chống dịch, bảo đảm đời sống người dân, nhất là tại những nơi cách ly, phong tỏa, đồng thời duy trì sản xuất kinh doanh tại những nơi an toàn, đủ điều kiện. Vừa chủ động sáng tạo thực hiện các giải pháp phù hợp tình hình, vừa tuân thủ các quy định chung của Trung ương, không để ách tắc hàng hóa, đứt gãy chuỗi cung ứng. 

Công tác phòng chống dịch bệnh covid-19 đã đạt được một số thành tựu bước đầu, có nhiều tín hiệu tích cực, trong đó đã đẩy lùi được dịch bệnh ở nhiều địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh… Công tác phòng chống dịch bệnh đang đi đúng hướng. Chính phủ đã tích cực, quyết liệt triển khai phòng chống dịch với mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân là trên hết, trước hết. Đồng thời, nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội tại những nơi an toàn về phòng chống dịch, mục tiêu cuối cùng là vì ấm no, an toàn, hạnh phúc của nhân dân.

Tuy nhiên, để hướng tới miễn dịch cộng đồng, thì điều cốt yếu phải có đủ vaccine để tiêm ngừa cho nhân dân. Do đó, bên cạnh việc đẩy mạnh “ngoại giao vaccine” để mua đủ 150 triệu liều, thì việc chủ động nghiên cứu vaccine trong nước đang được đẩy mạnh,vaccine Nanocovax do Công ty Cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen nghiên cứu, phát triển, vaccine COVIVAC do Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) thuộc Bộ Y tế nghiên cứu, phát triển; việc chuyển giao công nghệ vaccine từ nước ngoài để sản xuất trong nước (vaccine ARCT-154 của Hoa Kỳ do Vingroup thực hiện; vaccine của Công ty Shionogi (Nhật) do Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và VABIOTECH triển khai; vaccine Sputnik-V (Nga) do VABIOTECH và Công ty DS-Bio triển khai)…

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, tất cả mọi cơ quan, mọi cá nhân có trách nhiệm phải quyết tâm, cố gắng, nỗ lực cao hơn nữa, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa với tinh thần tích cực, chủ động, tự chủ vì mục tiêu Việt Nam có thể có vaccine sản xuất trong nước sớm nhất, chỉ khi đó mới đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường trong điều kiện mới.

Người viết: ThS.Lê Tuấn Thu

Khoa xây dựng Đảng

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây