Kỷ niệm Ngày truyền thống “Dân vận” của Đảng (15/10) và nhiệm vụ “dân vận khéo” của cán bộ, đảng viên hiện nay

Thứ sáu - 15/10/2021 16:39 459 0

 

 

Trong suốt chiều dài sự nghiệp cách mạng của dân tộc, công tác dân vận luôn là một bộ phận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Ngày 15/10/1949, với bút danh X.Y.Z, Hồ Chí Minh viết bài Dân vận, đăng trên báo Sự Thật, số 120, tác phẩm có tổng cộng 611 từ được diễn đạt ngắn gọn, súc tích, chặt chẽ, Bác đã khẳng định công tác vận động quần chúng là một nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa quyết định đối với thành bại của cách mạng Việt Nam. Tháng 10/1999, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Dân vận”, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã quyết định lấy ngày 15/10 làm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng và Ngày “Dân vận” của cả nước để đẩy mạnh việc học tập và thực hiện những lời dạy của Người về công tác dân vận.

“Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”[1], với quan điểm thương dân, trọng dân, gần dân, vì dân, Bác luôn căn dặn, nhắc nhở cán bộ, đảng viên trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc; phải động viên khuyến khích, khi thi hành xong phải kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng…để lôi cuốn, thu hút được nhân dân tham gia phong trào cách mạng, để nhân dân tin tưởng và tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể. Phải xác định và luôn đặt lợi ích của nhân dân lên tối thượng, “đem sức dân, tài dân, của dân mà làm lợi cho dân" [2] và đó là nhiệm vụ, là trách nhiệm của cấp ủy, của chính quyền và của các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội. Người cũng căn dặn phải rèn luyện phong cách, tác phong của cán bộ dân vận: phải luôn gần gũi, quan tâm, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; phải sâu sát, cụ thể, tỉ mỉ, phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” và đặc biệt “phải thật thà nhúng ta vào việc”[3] chứ không chỉ nói suông, nói nhiều làm ít, nói đúng, làm sai, nói hay, làm dở, nói mà không làm…

Hồ Chí Minh cũng thẳng thắn chỉ ra những thiếu sót, khuyết điểm, thất bại trong công tác dân vận do “xem khinh việc dân vận” [4]hoặc dân vận hình thức, chiếu lệ, nửa vời, thiếu trách nhiệm… mà cụ thể là “cử những cán bộ kém”[5] phụ trách dân vận và khoán trắng cho một vài người, “đó là sai lầm rất to, rất có hại”[6].

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận và làm tốt công tác dân vận, xây dựng thế trận “lòng dân vững chắc”, huy động sức mạnh to lớn của nhân dân giành những thắng lợi to lớn trong đấu tranh giải phóng dân tộc và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Hiện nay, trong bối cảnh mới, rất nhiều vấn đề mới đặt ra tác động đến tư tưởng, tình cảm, đời sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân: mặt tiêu cực của cơ chế thị trường đã dẫn tới sự bất bình đẳng trong xã hội, tình trạng phân hóa giàu – nghèo ngày càng gia tăng, đời sống vật chất của nhân dân, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Một số cơ chế, chính sách còn bất cập, việc triển khai hiệu quả còn hạn chế. Một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, quan liêu, trình độ năng lực yếu kém; tác phong, phương pháp làm việc của một bộ phận cán bộ, nhân viên trong bộ máy nhà nước còn hạn chế, làm phiền hà dân, cửa quyền, sách nhiễu nhân dân… ảnh hưởng và làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, là thách thức đối với mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và công tác dân vận.

Nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng đã khẳng định: Củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Ðảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ mật thiết giữa Ðảng với nhân dân. Nghị quyết Đại hội XIII xác định nhiệm vụ: “Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng[7]và  xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự “trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân””[8]

Tăng cường công tác dân vận, gắn bó mật thiết với nhân dân, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn xác định đúng đắn nhiệm vụ, trách nhiệm vai trò tiên phong, phải luôn là người “kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân[9]. Để gắn bó mật thiết với nhân dân, mỗi cán bộ, đảng viên phải tích cực, tiên phong làm công tác dân vận và phải là một cán bộ, đảng viên làm “dân vận khéo”. “Dân vận khéo” để tuyên truyền, giải thích đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước cho mỗi người dân hiểu đủ, hiểu đúng, làm theo và làm đúng theo chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. “Dân vận khéo” bằng đạo đức, tác phong của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, trong phục vụ nhân dân. “Dân vận khéo” để luôn gần gũi, để nắm bắt tâm tư, tình cảm, nhu cầu và nguyện vọng của người dân để phản ánh, tham mưu giải quyết thỏa đáng nhu cầu và lợi ích chính đáng của nhân dân, nhất là những người thuộc nhóm yếu thế. “Dân vận khéo” để tuyên truyền và lan tỏa những điều tích cực, lạc quan đến mọi người dân, định hướng dư luận, chống những thông tin xuyên tạc, xấu độc trong đời sống và trên không gian mạng, nhất là các mạng xã hội. “Dân vận khéo” bằng việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, bằng lời nói và việc làm cụ thể hàng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên và của các thành viên trong gia đình mình, bằng hành động “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” trong tất cả các phong trào ở địa phương tổ chức và phát động. Đó là cầu nối để Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân –  giữ vững cội nguồn sức mạnh của Đảng.

Đại dịch Covid-19 đã và đang diễn ra hết sức phức tạp, khó lường đã tác động sâu rộng đến phát triển kinh tế - xã hội, tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Hàng triệu cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, nhân viên y tế, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên (trực tiếp và gián tiếp) xung phong tham gia các công tác phòng chống dịch trên cả tuyến đầu và hậu phương để góp phần chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong và trong số đó có người đã hy sinh khi làm nhiệm vụ. Phát huy tinh thần tương thân, tương ái, huy động sự ủng hộ tích cực của các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp cùng chung tay, quyên góp tiền, hàng hóa thiết yếu, trang thiết bị y tế… phục vụ cho phòng chống dịch. Quỹ Vacxin là một minh chứng cho công tác dân vận tuyệt vời của Đảng, Chính phủ khi huy động được sức mạnh tổng lực với sự tham gia, đồng tâm, đồng thuận, đồng lòng của toàn thể người dân chung tay cùng Chính phủ trong ứng phó với đại dịch như lời Bác dạy: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.[10]

Lê Thị Thúy Hà

Khoa Xây dựng Đảng

 

 

 



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.5, tr.699

[2] Sđd, tr75

[3]  Sđd, tr699

[4] Sđd, tr699

[5] Sđd, tr699

[6] Sđd, tr699

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần XIII, Nxb CTQGST, t1, tr191

[8] Sđd, tr191

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2011, t. 7, tr. 50

[10] Sđd, tr699

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây