TƯ TƯỞNG CỦA C.MÁC VÀ PH.ĂNGGHEN VỀ ĐẢNG CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN

Thứ tư - 22/09/2021 18:38 18.323 0

    

                                                                                                                             

Người viết: ThS. Lê Thị Thúy Hà - ThS. Lê Tuấn Thu

Đơn vị: Khoa Xây dựng Đảng

 

Ngay từ đầu và trong suốt quá trình hoạt động đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân, C.Mác và Ph.Ăngghen đã nêu lên những tư tưởng cơ bản về đảng cách mạng của giai cấp công nhân. Cùng với thời gian những tư tưởng này về sau ngày càng được bổ sung, phát triển. Xét một cách tổng quát, tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen về đảng của giai cấp công nhân bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

 Thứ nhất, C.Mác và Ph.Ăngghen khẳng định tính tất yếu của việc thành lập đảng cộng sản

 C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra lực lượng xã hội có khả năng thực hiện bước quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội chỉ có thể là giai cấp công nhân. “Vì trong tất cả các giai cấp hiện đang đối lập với giai cấp tư sản thì chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp thực sự cách mạng. Tất cả các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, còn giai cấp vô sản lại là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp”[1].

Giai cấp vô sản muốn giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh của mình thì cần phải tổ chức được chính đảng độc lập của giai cấp mình. C.Mác viết: “Trong cuộc đấu tranh của mình chống lại quyền lực liên hợp của giai cấp hữu sản, giai cấp vô sản chỉ khi nào tự tổ chức được thành một chính đảng độc lập để đối lập với tất cả mọi chính đảng cũ do các giai cấp hữu sản lập ra, thì mới có thể hành động với tư cách giai cấp được”[2]

Ph.Ăngghen viết: “Để cho giai cấp công nhân có đủ sức mạnh và có thể chiến thắng trong giờ phút quyết định thì điều cần thiết là C.Mác và tôi đã bảo vệ quan điểm này từ năm 1847 – phải tổ chức được một đảng riêng biệt, tách khỏi tất cả các đảng khác và đối lập với các đảng đó, nhận thức rõ mình là đảng của giai cấp”[3].

Các nhà sáng tạo ra chủ nghĩa cộng sản khoa học chỉ ra rằng, việc giai cấp vô sản tổ chức thành chính đảng là tất yếu để đảm bảo cho cách mạng xã hội thu được thắng lợi và thực hiện được mục đích cuối cùng của nó là tiêu diệt giai cấp.

Thứ 2, C.Mác và Ph.Ăngghen sáng tạo ra thế giới quan khoa học, cơ sở tư tưởng của Đảng, cơ sở xác định Cương lĩnh chính trị, chiến lược, sách lược đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân

C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng giai cấp công nhân và đội tiên phong của nó là đảng cộng sản muốn nắm vai trò quyết định trong tiến trình phát triển của lịch sử thì nó phải có lý luận cách mạng tiên tiến.

Tuyên ngôn của đảng cộng sản là một văn kiện có tính cương lĩnh đầu tiên của phong trào cộng sản, trong đó C.Mác và Ph.Ăngghen đã trình bày một cách ngắn gọn, cô đọng nhất những quan điểm lý luận của mình về triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học. Hai ông luận chứng về vai trò lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân với tư cách là người đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản và là người sáng lập ra xã hội mới. Hai ông khẳng định sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân tất yếu sẽ hoàn thành và điều kiện để nó hoàn thành sứ mệnh đó là có đảng lãnh đạo.

“Những quan điểm lý luận của những người cộng sản tuyệt nhiên không dựa trên những ý niệm, những nguyên lý do một nhà cải cách thế giới nào phát minh hay phát hiện ra.

Những nguyên lý ấy chỉ biểu hiện khái quát của những quan hệ thực tại của một cuộc đấu tranh giai cấp hiện có, của một sự vận động lịch sử đang diễn ra trước mắt chúng ta, việc xoá bỏ những quan hệ sở hữu đã tồn tại trước kia không phải là cái gì đặc trưng vốn có của chủ nghĩa cộng sản”[4].

Thứ ba, C.Mác và Ph.Ăngghen - người đầu tiên nêu lên tư tưởng kết hợp chủ nghĩa xã hội khoa học với phong trào công nhân

 Bằng chính những hoạt động lý luận và thực tiễn của mình, C.Mác và Ph.Ăngghen đã thực hiện thành công sự kết hợp chủ nghĩa xã hội với phong trào công nhân. Đồng minh những người cộng sản do hai ông sáng lập nên đã được V.I.Lênin khẳng định: nó là một đảng vô sản chân chính mặc dù không lớn.

Theo C.Mác và Ph.Ăngghen, chủ nghĩa xã hội khoa học là cơ sở tinh thần, cơ sở tư tưởng, còn phong trào công nhân là cơ sở vật chất, cơ sở xã hội cho sự sản sinh ra đảng. Nhận xét về sự phát triển nhận thức của giai cấp vô sản trong quá trình đấu tranh giai cấp, hai ông đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đem lại những tư tưởng sáng tỏ về những vấn đề xã hội cho giai cấp vô sản. Vì vậy, C.Mác và Ph.Ăngghen đã hoạt động rất tích cực để truyền bá chủ nghĩa xã hội khoa học vào phong trào công nhân, trước hết là để cho những người tiên tiến trong công nhân, những người giác ngộ nhất nắm được, hiểu được tư tưởng khoa học này.

Quá trình kết hợp chủ nghĩa xã hội khoa học với phong trào công nhân đã dẫn đến sự ra đời đảng cộng sản, đội tiên phong của giai cấp vô sản, có nhiệm vụ truyền bá lý luận cách mạng. Nó phải đi đầu trong phong trào quần chúng, hướng dẫn cuộc đấu tranh của họ. Không có một đội tiên phong như vậy thì không thể có được thắng lợi của giai cấp công nhân.

Thứ tư, C.Mác và Ph.Ăngghen đã nêu lên thuộc tính cơ bản của đảng cộng sản

 Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, hai ông viết: về mặt thực tiễn, những người cộng sản là bộ phận kiên quyết nhất trong các đảng công nhân ở tất cả các nước, là bộ phận cổ vũ tất cả những bộ phận khác, về mặt lý luận, họ hơn bộ phận còn lại của giai cấp vô sản ở chỗ là họ hiểu rõ những điều kiện, tiến trình và kết quả chung của phong trào vô sản.

Thuộc tính đó đã nói lên bản chất cách mạng và khoa học của Đảng, chỉ rõ rằng những người cộng sản không phải là một đảng riêng biệt, đối lập vói các đảng công nhân khác. Ngược lại, đảng là đội tiên phong có tổ chức của giai cấp công nhân, bộ phận giác ngộ nhất, tích cực nhất của giai cấp và luôn đấu tranh để bảo vệ lợi ích của giai cấp.

Thứ năm, C.Mác và Ph.Ăngghen khẳng định bản chất đảng của giai cấp công nhân

Ph.Ăngghen nhấn mạnh: Đảng công nhân được thành lập không phải để thành cái đuôi của bất cứ một đảng tư sản nào, mà phải thành một đảng độc lập, có mục đích riêng và chính trị riêng của mình. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa đảng cộng sản tồn tại biệt lập, tách rời khỏi giai cấp và nhân dân lao động. Ngược lại, đảng gắn bó với nhân dân, không đối lập với những tổ chức mà giai cấp vô sản tham gia, hơn thế, đảng hợp tác và tích cực tham gia vào công việc của các tổ chức của những người lao động, để đem vào đấy những tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản khoa học và những nguyên tắc của chủ nghĩa quốc tế vô sản, hướng hoạt động của các tổ chức đó vào quỹ đạo cách mạng.

Thứ sáu, C.Mác và Ph.Ăngghen đã đề cập tới những nội dung cơ bản của nguyên tắc tập trung dân chủ

 C.Mác và Ph.Ăngghen tuy chưa dùng khái niệm "nguyên tắc tập trung dân chủ" nhưng những nội dung cơ bản của nguyên tắc này đó được hai ông thể hiện khá đầy đủ trong các văn kiện của “Liên đoàn những người cộng sản” và của Quốc tế I. Điều 3, Điều lệ Đồng minh những người cộng sản ghi rõ tất cả hội viên của Liên đoàn đều bình đẳng, họ là anh em và trong mọi trường hợp, đều có nghĩa vụ giúp đỡ nhau như anh em.

Hội viên của Liên đoàn được thảo luận những vấn đề về sinh hoạt đảng, được tham gia vào việc bầu cử các cơ quan lãnh đạo của Liên đoàn, nhưng phải phục tùng nghị quyết của Liên đoàn, phải giữ bí mật mọi công việc của Liên đoàn. Không tham gia vào mọi tổ chức - chính trị hoặc dân tộc – chống cộng sản và có nghĩa vụ báo cáo với cơ quan lãnh đạo hữu quan về việc tham gia vào một tổ chức nào đó. Ai vi phạm những điều kiện của hội viên sẽ tùy tình hình mà phải xin ra khỏi Liên đoàn hoặc bị khai trừ khỏi Liên đoàn.

Các cơ quan lãnh đạo của Liên đoàn do bầu mà lập ra, có thể bị thay thế và bãi miễn bất cứ lúc nào nếu không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Cơ cấu tổ chức của Liên đoàn được quy định: công xã gồm từ 3 đến 20 thành viên, đó là cơ sở của Đảng, là trung tâm và hạt nhân công tác chính trị của Đảng trong quần chúng lao động. Nhiều công xã hợp thành một quận, đứng đầu là quận ủy của Đảng. Cơ quan cao nhất của Liên đoàn là đại hội hàng năm và giữa hai kỳ đại hội là Ban Chấp hành Trung ương.

Đánh giá về tổ chức và kinh nghiệm công tác của Liên đoàn những người cộng sản, Ph.Ăngghen viết: Cơ cấu của Liên đoàn thật dân chủ, các Ban chấp hành được bầu ra và có thể bị thay thế bất kỳ lúc nào, do đó ngăn chặn được mọi âm mưu và thủ đoạn chiếm độc quyền trong Liên đoàn.

C.Mác và Ph.Ăngghen nhấn mạnh: Dân chủ phải thống nhất với tập trung, với kỷ luật chặt chẽ, bộ phận phải phục tùng toàn thể, thiểu số phải phục tùng đa số. Việc phát huy dân chủ được thực hiện trong mối liên hệ chặt chẽ với việc tôn trọng kỷ luật Đảng- một kỷ luật bắt buộc đối với tất cả hội viên.

Thứ bảy, C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng: Đảng chỉ có thể trở thành chân chính và cách mạng khi phong trào cách mạng của quần chúng và lực lượng cách mạng của phong trào ấy phát triển mạnh mẽ

Trong suốt quá trình nghiên cứu lý luận và hoạt động thực tiễn của mình, C.Mác và Ph.Ăngghen luôn khẳng định vai trò to lớn của quần chúng trong lịch sử và chính thông qua phong trào cách mạng của quần chúng mà đảng trưởng thành và lớn mạnh không ngừng.

Hai ông cho rằng đảng chỉ có thể trở thành chân chính và cách mạng, khi phong trào cách mạng của quần chúng và lực lượng cách mạng của phong trào ấy đã phát triển mạnh mẽ và đã làm cho sự phân hoá của các giai cấp và tầng lớp trong xã hội sâu sắc, làm lộ rõ kẻ thù chủ yếu, kẻ thù chính và chiến đấu với nó.

Năm 1895, khi viết lời tựa cho cuốn “Đấu tranh giai cấp ở Pháp”, Ph.Ănghen đã viện dẫn những số liệu minh chứng cho sự tín nhiệm của quần chúng đối với đảng thông qua lá phiếu tín nhiệm. Qua những con số không thể chối cãi đó đã chứng tỏ rằng đảng lớn mạnh nhanh chóng lạ thường. Ph.Ăngghen coi đây là bài học lịch sử cho các đảng cách mạng của giai cấp công nhân, bài học về sức mạnh của đảng chỉ có thể có được trong sức mạnh của quần chúng và trong phong trào cách mạng sục sôi của họ.

Hai ông chỉ rõ: những người cộng sản phải thường xuyên chiến đấu giành lấy quần chúng, phải quan tâm đến nhu cầu và tâm trạng của họ. Phải tích cực làm việc trong các tổ chức và các đoàn thể của người lao động, biết lãnh đạo các tổ chức đó.

Thứ tám, C.Mác và Ph.Ăngghen luôn đấu tranh để củng cố sự thống nhất đội ngũ của các tổ chức vô sản, đồng thời kiên quyết chống lại bọn cơ hội, bọn xét lại và chống lại tất cả những người vi phạm kỷ luật của đảng

 Hai ông cho rằng: không có một đảng vô sản có tổ chức, đoàn kết thì giai cấp công nhân không thể đập tan được giai cấp tư sản và thiết lập chuyên chính của mình, nếu không kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa biệt phái - thì đảng sẽ không thể thu hút được quần chúng lao động về phía cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Chủ nghĩa biệt phái làm cho nội bộ đảng bị chia rẽ, tức là phá vỡ tính tổ chức và đoàn kết của đảng, cũng có nghĩa là thủ tiêu sức chiến đấu của đảng, làm đảng mất tín nhiệm trong quần chúng, đảng mất tính hấp dẫn đối với quần chúng. Vì vậy, cùng với việc củng cố tổ chức, để tăng cường đoàn kết thống nhất, đảng phải kiên quyết chống chủ nghĩa cơ hội, xét lại các loại.

Theo C.Mác và Ph.Ăngghen củng cố hàng ngũ đảng, loại trừ khỏi hàng ngũ đảng các phần tử thù địch và cơ hội chủ nghĩa là điều kiện cần thiết để phát triển đảng, củng cố sức chiến đấu của đảng.

C.Mác và Ph.Ăngghen lần đầu tiên trong lịch sử nêu lên một kiểu mẫu đấu tranh có nguyên tắc để chống lại các thứ chủ nghĩa cơ hội, để giữ vững sự thống nhất của đảng. Hai ông đã đấu tranh không khoan nhượng chống những quan điểm cơ hội chủ nghĩa biệt phái của Bacunin, và cuối cùng theo đề nghị của C.Mác và Ph.Ăngghen, Đại hội của Quôc tế I họp ở Lahay (Hà Lan) năm 1872, đã nhất trí khai trừ Bacunin ra khỏi Hội liên hiệp công nhân Quôc tế vì hoạt động chia rẽ.

Để có thể loại bỏ bọn cơ hội, bè phái ra khỏi đảng, C.Mác và Ph.Ăngghen đặc biệt coi trọng việc tự phê bình và phê bình trong đảng, vì nó là phương pháp phát hiện và sửa chữa thiếu sót, là điều kiện quan trọng phát triển sinh hoạt nội bộ đảng và hoạt động có hiệu quả của đảng, là phương tiện động viên tính tích cực của những người cộng sản và bảo đảm sức mạnh bên trong của đảng.

- Thứ chín, C.Mác và Ph.Ăngghen nhấn mạnh: Đảng lãnh đạo dựa trên cơ sở khoa học và quyết định tập thể

Cơ sở khoa học trong sự lãnh đạo đảng là ở chỗ: nó dựa trên những quy luật phát triển khách quan của xã hội, nó xa lạ với chủ nghĩa cải lương, chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa chủ quan.

Để bảo đảm tính khoa học trong sự lãnh đạo của đảng hai ông đã kiên quyết đấu tranh chống những khuynh hướng cơ hội. Ph.Ăngghen coi mưu toan làm cho cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản phải phục tùng chủ nghĩa cải lương là một âm mưu nhằm làm cho những cặn bã nhơ bẩn của xã hội tư sản cũ được tự do "mọc rễ" vào xã hội xã hội chủ nghĩa. C.Mác kêu gọi các lãnh tụ vô sản phải nghiêm túc học tập khoa học cách mạng và dựa vào khoa học đó mà làm công tác thực tiễn của mình.

Cơ sở thứ hai trong sự lãnh đạo của đảng đó là quyết định tập thể. Bởi vì chỉ có thông qua tập thể, quyết định của đảng mới bảo đảm tính khách quan, toàn diện và tránh được tư tưởng cục bộ, ích kỷ, hẹp hòi hay cá nhân chủ nghĩa. Quyết định tập thể có nghĩa là trên cơ sở mở rộng dân chủ, tôn trọng và lắng nghe ý kiên thảo luận chung, tiếp thu có chọn lọc từ các ý kiến đóng góp của các thành viên để xây dựng chủ trương, nhiệm vụ và cuối cùng là biểu quyết theo đa số.

Thứ mười, C.Mác và Ph.Ăngghen coi chủ nghĩa quốc tế vô sản là nguyên tắc quan trọng nhất trong xây dựng đảng

 Hai ông cho rằng: chủ nghĩa quốc tế vô sản được nảy sinh từ địa vị của giai cấp vô sản và trên cơ sở thống nhất lợi ích căn bản và mục tiêu cuối cùng của vô sản tất cả các nước.

Ph.Ăngghen chỉ rõ: Những người vô sản ở tất cả các nước có chung một lợi ích, chung một kẻ thù, họ phải tiến hành một cuộc đấu tranh chung, đông đảo những người vô sản, do bản chất của mình, không bị các thành kiến dân tộc ràng buộc. Toàn bộ sự phát triển tinh thần và phong trào của họ, về bản chất, có tính chất nhân đạo và chống dân tộc hẹp hòi. Giai cấp vô sản phải lấy sự thống nhất quốc tế của mình chống lại sức mạnh quốc tế của tư bản. Bởi không có sự phối hợp nỗ lực của công nhân tất cả các nước, không có tinh thần đoàn kết vô sản thì không thể chiến thắng được giai câp tư sản thế giới và không thể xây dựng thắng lợi một xã hội mới.

C.Mác nhấn mạnh: Chỉ có sự liên minh quốc tế của giai cấp vô sản mới có thể bảo đảm cho thắng lợi cuối cùng của giai cấp ấy. Không làm như vậy thì giai cấp vô sản không thể giành được thắng lợi và không tự giải phóng được mình. Khẩu hiệu bất hủ: "Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại!" mà hai ông đưa ra trong “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản” đã trở thành khẩu hiệu chung của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Những tư tưởng thiên tài của C.Mác và Ph.Ăngghen về đảng của giai cấp công nhân, mặc dù những tư tưởng cơ bản này không phải hoàn chỉnh ngay từ đầu mà phải trải qua một quá trình phát triển lâu dài và trên thực tế, đã có ảnh hưởng sâu sắc tới toàn bộ sự phát triển sau này của toàn bộ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế nói chung và Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng. Đó là những định hướng quan trọng cho quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở nước ta hiện nay./.

                                                                        

 



[1] C. Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.1995, tập 4, tr.610.

[2] Nguyễn Đức Ái: Học thuyết Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về đảng và xây dựng Đảng cộng sản, Nxb.Chính trị- hành chính, H,2010, tr30

[3] C. Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị, M.1978, tập 4, tr35, tiếng Nga.

[4] C. Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.1995, tập 4, tr.615.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 3.3 - 3 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây