ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG THEO VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG TA

Thứ hai - 18/10/2021 22:18 467 0

 

Người viết: Ths. Huỳnh Thị Nhẹ, giảng viên Khoa NNPL

Phòng, chống tham nhũng có vai trò vô cùng quan trọng đối với công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII đã được Đảng ta xác định là: “Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ...”. Công tác này đã được triển khai mạnh mẽ trong nhiệm kỳ XII của Đảng và tiếp tục được đẩy mạnh trong nhiệm kỳ XIII, khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng, làm cho tổ chức đảng thêm trong sạch, vững mạnh.

Đánh giá về thực trạng công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua, Đảng ta khẳng định: “Công tác phòng chống tham nhũng được lãnh đạo chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, toàn diện đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng giảm” [1]

Theo báo cáo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020: đã xử lý kỷ luật 131.000 đảng viên, trong đó có nhiều trường hợp liên quan đến tham nhũng. Khởi tố, điều tra truy tố xem xét hơn 1.900 vụ án tham nhũng với 4.400 bị cáo trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự, trong đó có: 1 Ủy viên Bộ Chính trị, 7 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng, 7 sĩ quan cấp tướng thuộc lực lượng vũ trang. Các cơ quan có thẩm quyền đã kiến nghị thu hồi 700.000 tỉ đồng, 20.000 ha đất, kiến nghị xử lý trách nhiệm 14.000 tập thể và cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 700 vụ việc có dấu hiệu tội phạm; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt 32,04%. Từ năm 2016 đến năm 2020, đã kỷ luật 87.000 đảng viên trong đó có hơn 3.200 trường hợp liên quan tới tham nhũng.[2]

Bên cạnh những kết quả đạt được, Đảng ta thẳng thắn nhìn nhận: “Công tác phòng chống tham nhũng lãng phí ở một số địa phương bộ ngành chưa có chuyển biến rõ rệt; công tác phòng ngừa tham nhũng ở một số nơi còn hình thức. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí vẫn còn hạn chế, nhất là việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí trong nội bộ cơ quan, đơn vị còn yếu; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong một số cơ quan, đơn vị khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được đẩy lùi. Tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.”[3]

Từ thực trạng như trên, Đảng ta đã khẳng định: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn...” [4]. Trong phần phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Văn kiện Đại hội XIII đã đưa ra nhiều chủ trương và giải pháp căn cơ quyết liệt về phòng, chống tham nhũng: “Triển khai đồng bộ có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật. Thực hiện quyết liệt nghiêm minh có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng” [5]. Theo đó, các cơ quan của Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến địa phương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt và đề cao quyết tâm chính trị trong phòng, chống tham nhũng với các giải pháp được xác định như sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương. Kiên trì giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết, “xây dựng văn hoá tiết kiệm”, không tham nhũng, lãng phí trước hết trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

  Hai là, đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kinh tế - xã hội, về kiểm tra, giám sát và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nhất là các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm giải trình, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Động viên, khuyến khích, khen thưởng những tổ chức, cá nhân dám tố cáo hành vi tham nhũng. Đặc biệt, Đảng đã chỉ đạo phải có cơ chế bảo vệ những người tố cáo hành vi tham nhũng tránh sự trả thù hoặc trù dập, đồng thời chỉ ra một số biện pháp về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát để phòng, chống tham nhũng và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Vấn đề này được Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII khẳng định: “Có cơ chế khuyến khích và bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng, lãng phí. Nâng cao hiệu quả công tác giám sát thanh tra, kiểm tra, làm tốt chức năng hỗ trợ thúc đẩy phát triển”[6]. Đồng thời xử lý nghiêm những người lợi dụng chống tham nhũng, lãng phí để vu khống, gây mất đoàn kết nội bộ; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý; thực hiện chế độ thanh toán không dùng tiền mặt.

Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, lãng phí; kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng; kịp thời xử lý, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý khi có biểu hiện tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm những cán bộ nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, bảo đảm liêm chính, trong sạch, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng và các cơ quan tham mưu cho cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng. Từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng. “Nâng cao vai trò, phát huy tính tích cực, chủ động và phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân, doanh nghiệp, báo chí trong phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng” [7].  

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nâng cao thu nhập và có chính sách nhà ở, bảo đảm cuộc sống để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác. Có như vậy cán bộ đảng viên mới “không cần” tham nhũng.

Trên đây là một số định hướng, giải pháp trong công tác phòng, chống tham nhũng trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nếu chúng ta tiến hành một cách đồng bộ, đầy đủ, toàn diện các giải pháp nêu trên, thì chắc chắn rằng, công tác phòng, chống tham nhũng sẽ mang lại hiệu quả cao, lấy lại niềm tin từ nhân dân và góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

 

Tài liệu tham khảo:

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t. 1, tr.76.

[2] PGS.TS Nguyễn Cảnh Quý: Phòng, chống tham nhũng theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, Tạp chí Tuyên giáo Trung ương, ngày 21/7/2021

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Sự thật, H, 2021, t. 1, tr.92, 93

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Sự thật, H, 2021, t. I, tr.193

[5], [6], [7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Sự thật, H, 2021, t. II, tr.145, 146.

 

 

 

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây