ThS. Nguyễn Thị Bích Tuyền
Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng
Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh với nội dung cơ bản là giải phóng người lao động bị áp bức, là độc lập - tự do - bác ái - bình đẳng giữa người với người, thể hiện tình yêu thương vô bờ bến của Người với nhân dân: Nông dân, công nhân, lao động trí óc, cụ già, em bé.
Phụ nữ chiếm hơn một nửa dân số. Người cho rằng, có giải phóng phụ nữ mới kháng chiến kiến quốc thành công. Giải phóng phụ nữ trước hết phải từ gia đình - tế bào của xã hội, thực hiện bình đẳng giới, một vợ một chồng. Rất sớm, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xây dựng Hiến pháp và Luật Hôn nhân và gia đình. Người kêu gọi nhân dân bài trừ tư tưởng phong kiến, tư tưởng tư sản, thói gia trưởng trọng nam khinh nữ.
Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ 3, họp ngày 9-3-1961. Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự, Người nói: “Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nêu rõ chính sách nam nữ bình đẳng. Hiến pháp ta đã xác định chính sách đó. Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận thức rõ địa vị làm chủ và nhiệm vụ làm chủ nước nhà” [1]
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất quán tư tưởng giải phóng phụ nữ phải giải phóng toàn diện về chính trị, tư tưởng, xã hội, giải phóng sức lao động nữ, giúp cho chị em làm việc có hiệu quả nhưng đôi vai không phải gánh nặng và giảm thiểu cường độ lao động chân tay. Người chủ trương đào tạo phụ nữ trẻ trở thành những công dân mới xã hội chủ nghĩa, vừa biết lao động chân tay vừa biết lao động trí óc - tạo mọi điều kiện cho phụ nữ học văn hóa, khoa học kỹ thuật, nâng cao trí thức, tự vươn lên làm chủ bản thân, làm chủ đất nước
Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò, vị trí to lớn của phụ nữ Việt Nam. Người luôn gắn nhiệm vụ giải phóng phụ nữ với giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Người khẳng định rằng, trong chế độ xã hội chủ nghĩa, Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội phải thật sự quan tâm đến phụ nữ; hỗ trợ, tạo điều kiện để người phụ nữ phát huy tối đa tài năng, tiềm lực của mình; đồng thời người phụ nữ muốn tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc thật sự thì phải có ý chí, có quyết tâm, tích cực học tập, rèn luyện để có đủ đức, tài tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội.
Trong bộ Hồ Chí Minh toàn tập (gồm 12 tập), với tổng số 1.941 bài nói và viết, đã có gần 100 bài viết Bác nhắc nhiều đến phụ nữ. Người cho rằng, sự nghiệp giải phóng loài người, giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội phải gắn liền với sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Người viết: "Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội mới chỉ một nửa". [2]
Tư tưởng Hồ Chí Minh về sự nghiệp giải phóng phụ nữ sớm có được như vậy là do xuất phát từ nhận thức, hiểu biết sâu sắc của Người về chủ nghĩa Mác - Lênin, về vai trò của phụ nữ trong lịch sử thế giới, đặc biệt là vai trò của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta. Người đã từng nghiên cứu và rút ra kết luận trong lịch sử cách mạng, không có cuộc cách mệnh nào mà không có đàn bà, con gái tham gia. Dù đang bôn ba hải ngoại để tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã nhận thấy một nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam là sự tham gia của phụ nữ Việt Nam. Tại lễ kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt nam (20/10/1966), Bác Hồ nói: “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh giặc cứu dân cho đến nay, mỗi khi nước nhà gặp nguy nan thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc...”[3] . Trong thư gửi phụ nữ nhân kỷ niệm Hai Bà Trưng và ngày Quốc tế phụ nữ 8/3/1952, Hồ Chí Minh khẳng định: "Non sông gấm vóc nước Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp rực rỡ[4]".
Không chỉ đánh giá cao vai trò phụ nữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người hiểu rất rõ khả năng làm việc to lớn của phụ nữ Việt Nam trong các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị. Người nói: "Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa hàng vạn phụ nữ trở thành chuyên gia các ngành và cán bộ lãnh đạo, làm Giám đốc và phó Giám đốc các xí nghiệp, Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, chủ tịch UBHC, bí thư chi bộ Đảng…" và Người vui mừng trước việc ngày càng nhiều phụ nữ tham gia quản lý. Người tự hào nói tại Lễ kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: "Phó Tổng tư lệnh quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy, thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta".
Hiểu biết một cách sâu sắc vai trò, vị trí của phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng nói chung và trong tham gia chính quyền nói riêng, Bác Hồ không chỉ dừng ở đánh giá, mà điều quan trọng hơn là Người đã đặt trách nhiệm của Đảng ta muốn thật sự giải phóng phụ nữ thì phải bằng những pháp luật, chính sách, biện pháp cụ thể. Các cấp Đảng, chính quyền địa phương khi giao công tác cho phụ nữ, phải căn cứ vào trình độ của từng người và cần phải tích cực giúp đỡ phụ nữ nhiều hơn nữa, phải thật sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ. Hồ Chí Minh còn là một lãnh tụ luôn cho rằng: không ai thấu hiểu phụ nữ bằng phụ nữ, muốn vận động, bảo vệ, hỗ trợ phụ nữ phải thành lập tổ chức của phụ nữ. Ngay từ những năm hai mươi của thế kỷ XX trong cuốn Đường cách mệnh, Hồ Chí Minh đã nói chỉ rõ: “Muốn thế giới cách mệnh thành công, thì phải vận động đàn bà con gái công nông các nước. Vì vậy Đệ tam Quốc tế tổ chức phụ nữ quốc tế... Mỗi Đảng cộng sản phải có một Bộ phụ nữ trực tiếp thuộc về phụ nữ quốc tế”.
Trong bài nói chuyện tại Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ III, Người nhấn mạnh: “Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nêu rõ chính sách nam nữ bình đẳng, Hiến pháp ta đã xác định chính sách đó. Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ luôn luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận thức rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng CNXH…”
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong đó có cán bộ nữ. Người quan tâm chỉ đạo bố trí cán bộ nữ vào các cương vị lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ở các cấp, các ngành, tỷ lệ ngày càng đông. Trong các văn kiện của đảng do Người soạn thảo, thông qua Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam xác định rõ mục tiêu là dân chúng được tự do và nam, nữ bình đẳng.
Năm 1935 Ban Chấp hành Trung ương Đảng có Nghị quyết "Phụ nữ vận động" yêu cầu mỗi cấp uỷ Đảng đều có uỷ viên là phụ nữ, các Đảng bộ vận động phụ nữ vào Đảng, vào Đoàn thanh niên và các đoàn thể khác. Tổ chức vận động phụ nữ tranh đấu bảo vệ quyền lợi hàng ngày của họ.
Trong bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ thảo luận Luật Hôn nhân và gia đình ngày 10/10/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Rất quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình, chính vì muốn xây dựng Chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt. Luật hôn nhân và gia đình quy định: Luật lấy vợ, lấy chồng nhằm giải phóng phụ nữ, giải phóng người đàn bà, đồng thời phải tiêu diệt tư tưởng phong kiến, tư tưởng tư sản trong người đàn ông". Bỏ chế độ áp bức của cha mẹ đối với con cái, của chồng đối với vợ. Cấm tục năm thê, bảy thiếp, vợ hầu, vợ lẽ, cấm tảo hôn, quyền đàn bà được giữ con mình lúc ly dị. Người nhắc lại câu tục ngữ "Thuận vợ, thuận chồng, tát biển đông cũng cạn" muốn thuận vợ thuận chồng thì lấy nhau phải thật sự yêu thương nhau.
Về phương pháp giải phóng phụ nữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình mà tự mình phải tăng cường, phải đấu tranh , phải thắt chặt mối đoàn kết giữa các tầng lớp phụ nữ trong nước, giữa phụ nữ Việt Nam và phụ nữ các nước bạn cùng phụ nữ dân chủ thế giới.
Người kêu gọi phụ nữ thi đua tăng gia sản xuất, lao động, học tập không ngừng tiến bộ, hăng hái thi đua tăng gia sản xuất lao động, học tập không ngừng tiến bộ, hăng hái tham gia chính quyền và các đoàn thể, tham gia phong trào chống tham ô, lãng phí và bênh quan liêu, thực hành tiết kiệm. Bảo vệ nhi đồng, giúp đỡ bộ đội.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm sự nghiệp giải phóng phụ nữ trong mọi giai đoạn của cách mạng. Đảng ta khẳng định thời kỳ đổi mới, công nghiệp, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phụ nữ có tiềm năng to lớn, là động lực quan trọng để thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Phụ nữ vừa là lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người.
Mục tiêu giải phóng phụ nữ là: Thiết thực cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của chị em; nâng cao vị trí xã hội của phụ nữ. Thực hiện tốt nam, nữ bình đẳng, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, xây dựng người phụ nữ Việt Nam có sức khoẻ, có kiến thức, năng động, sáng tạo, biết làm giàu chính đáng, quan tâm đến lợi ích của xã hội và cộng đồng, có lòng nhân hậu.
Sự nghiệp giải phóng phụ nữ là trách nhiệm của Đảng, của Nhà nước, các đoàn thể nhân dân, của toàn xã hội và từng gia đình. Điều 63, Hiến pháp nước ta quy định: công dân nữ và nam có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình… Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ. Lao động nữ và nam việc làm như nhau thì tiền lương ngang nhau. Lao động nữ có quyền hưởng chế độ thai sản. Nhà nước và xã hội tạo điều kiện để phụ nữ nâng cao trình độ mọi mặt, không ngừng phát huy vai trò của mình trong xã hội, chăm lo phát triển các nhà hộ sinh, khoa nhi, nhà trẻ và các cơ sở phúc lợi khác để giảm nhẹ gánh nặng gia đình, tạo điều kiện cho phụ nữ sản xuất, công tác, học tập, chữa bệnh, nghỉ ngơi và làm tròn bổn phận của người mẹ.
Có thể nói rằng, theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vai trò của phụ nữ Việt Nam, vai trò tổ chức của phụ nữ được đề cao trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, bởi lẽ Phụ nữ chiếm phần nửa xã hội. Trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa.
Tóm lại, Tư tưởng Hồ Chí Minh về sự nghiệp giải phóng phụ nữ đã được Đảng và Nhà nước ta vận dụng, phát triển trong giai đoạn hiện nay nhằm phát huy vai trò to lớn của phụ nữ, đồng thời bảo vệ quyền lợi của phụ nữ trong xã hội và gia đình vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, tập 10, trang 294.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, năm 2011, tập 12, tr.300.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, năm 2009, tập 12, tr.148.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, năm 2009, tập 6, tr.432
Ý kiến bạn đọc