XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, CON NGƯỜI VIỆT NAM TRƯỚC TÁC ĐỘNG CỦA GIAO LƯU, HỘI NHẬP QUỐC TẾ YÊU CẦU ĐẶT RA

Thứ hai - 18/10/2021 22:19 5.071 0

 

                                                                             Th.s Lê Bá Giang

                                                                                        GV. Khoa Xây dựng Đảng

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhất là từ đổi mới đất nước (1986) đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm đến vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Bởi vì, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh của dân tộc; văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của quá trình phát triển bền vững đất nước. Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong bối cảnh giao lưu, hội nhập quốc tế đứng trước những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức, đòi hỏi Đảng ta phải tiếp tục có những nhận thức mới để bổ sung và phát triển đường lối xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, xây dựng Việt Nam thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế. Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại phù hợp với thực tiễn Việt Nam, đồng thời chủ động nâng cao sức đề kháng của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên đối với các văn hóa phẩm ngoại lai độc hại; từng bước đưa văn hóa Việt Nam đến với thế giới”[1].

          1. Giao lưu, hội nhập quốc tế tác động đến xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam

          Giao lưu, hội nhập quốc tế là một xu thế tất yếu, khách quan; vừa là quá trình hợp tác phát triển, vừa là quá trình đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia, trong đó có bảo vệ nền văn hóa dân tộc; vừa có những thời cơ, thuận lợi đồng thời cũng có những khó khăn, thách thức đối với quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Trước hết là về mặt thời cơ, thuận lợi:

          Giao lưu, hội nhập quốc tế là cơ hội để quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, từng bước đưa Việt Nam trở thành một địa chỉ giao lưu, hợp tác hấp dẫn, tin cậy cho bạn bè thế giới. Giao lưu, hội nhập quốc tế tạo điều kiện quan trọng để Việt Nam tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới làm giàu đẹp cho văn hóa dân tộc, cũng là cơ sở để nền văn hóa dân tộc tự sàng lọc, hiện đại hóa và làm mới chính mình. Như Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998) đã khẳng định: Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế “Chúng ta có dịp tiếp xúc rộng rãi với những thành tựu văn hóa nhân loại, đồng thời giới thiệu với nhân dân các nước những giá trị tốt đẹp, độc đáo của văn hóa Việt Nam”[2].

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra hết sức mạnh mẽ và tác động sâu sắc đến quá trình phát triển của các nước trên thế giới, trong đó có vấn đề xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Thông qua internet, mạng xã hội con người có thể kết nối với nhau không bị phụ thuộc vào khoảng cách địa lý, không gian và thời gian. Giúp mọi người tiếp cận lượng thông tin đồ sộ của nhân loại và mỗi quốc gia, cũng như giao lưu và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Sau hơn 20 năm Internet có mặt (từ năm 1997), với hơn 60 triệu người sử dụng, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 18 trên thế giới về tỷ lệ người dân sử dụng Internet và là 1 trong 10 nước có lượng người dùng Facebook và YouTube cao nhất thế giới. Điều đó cho thấy sự cởi mở, năng động của Việt Nam trong tiến trình hội nhập cùng thế giới số[3].

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại cơ hội rất lớn cho các nước đang phát triển nói chung, trong đó có nước ta có thể rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa bằng cách “đi tắt, đón đầu”, thực hiện chuyển đổi số, phát triển nhảy vọt lên công nghệ cao hơn. Đây là cơ hội để nước ta nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh của các ngành truyền thống cũng như việc tiếp cận thị trường thế giới trên nền tảng số/internet để tăng trưởng nhanh với giá trị gia tăng cao và bền vững, phát triển nền kinh tế số. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang và sẽ mang lại cơ hội cho nền kinh tế số, sản xuất và dịch vụ thông minh; các loại hình kinh tế công nghiệp (công nghiệp văn hóa, công nghiệp nghe nhìn,…), nông nghiệp, dịch vụ, du lịch …

Bên cạnh những tác động tích cực, những thời cơ, thuận lợi thì quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế, cũng có những thách thức, tác động tiêu cực sau:

Tiềm ẩn nguy cơ mất độc lập, tự chủ của dân tộc: Giao lưu, hội nhập quốc tế làm gia tăng sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các nước, nhất là sự phụ thuộc về kinh tế, chính trị. Khi đó, quốc gia bị lệ thuộc vào các nước lớn sẽ bị chi phối, áp đặt về mọi mặt, từ kinh tế, chính trị, văn hóa đến an ninh, quốc phòng, … nguy cơ đánh mất quyền tự quyết của quốc gia, dân tộc là rất lớn.

Giao lưu, hội nhập quốc tế chứa đựng nguy cơ phá vỡ hoặc làm băng hoại những giá trị văn hóa truyền thống đã được tích tụ và tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc. Quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế tiếp thu cái mới dễ làm nảy sinh tư tưởng “sính ngoại”, sự lai căng, mất gốc, dẫn đến nguy cơ làm phai nhạt bản sắc dân tộc. Thêm vào đó, nếu thiếu bản lĩnh trong giao lưu, tiếp biến, thì các yếu tố phản giá trị, phi văn hóa từ bên ngoài sẽ có cơ hội thâm nhập, phá vỡ hoặc làm băng hoại những giá trị truyền thống tốt đẹp.

Giao lưu, hội nhập quốc tế làm xuất hiện xu thế nhất thể hóa lối sống nhân loại, những lý thuyết phát triển phiến diện như lý thuyết tuyệt đối hóa một mô hình phát triển - mô hình của chủ nghĩa tư bản phương Tây, cho rằng hiện đại hóa có nghĩa là Tây Âu hóa (hay Mỹ hóa), lấy Tây Âu làm mẫu mực; xu hướng áp đặt văn hóa và “đế quốc chủ nghĩa” trong văn hóa, đem giá trị của dân tộc này áp đặt cho các dân tộc khác (như tự do, nhân quyền, dân chủ, …); lấy sản phẩm văn hóa của dân tộc này thay thế hoặc lấn át sản phẩm văn hóa của dân tộc khác bằng sức mạnh kinh tế hoặc công nghệ hiện đại. Xu hướng trên sẽ dẫn đến sự rối loạn và nghèo nàn đời sống văn hóa tinh thần của nhân loại, làm suy giảm khả năng sáng tạo của các cộng đồng, hủy diệt nền văn hóa của nhiều quốc gia dân tộc, làm giảm đi sự phong phú, đa dạng, sinh động của văn hóa nhân loại.

Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng mang đến những thách thức, tiêu cực như:

Công nghệ phát triển mạnh mẽ làm gia tăng tội phạm công nghệ cao; nhiều sản phẩm khoa học công nghệ đã mang lại tiện ích to lớn cho con người như điện thoại thông minh, máy tính thông minh, internet, trí tuệ nhân tạo … nhưng cũng chính những tiện ích ấy khiến con người dễ trở nên vô cảm, lười biếng, giảm sức sáng tạo, thậm chí suy giảm giá trị nhân tính. Những thay đổi về cách thức giao tiếp trên mạng xã hội cũng đặt con người và xã hội gặp nhiều nguy hiểm về an ninh, tài chính, sức khỏe. Thông tin cá nhân nếu không được bảo vệ một cách nghiêm ngặt sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường. Tác động xấu từ mạng xã hội có thể dẫn đến những hậu quả trực tiếp, tức thì, nhưng cũng có những hậu quả len lỏi, lâu dài tích tụ vào ứng xử, lối sống, dần dần phá vỡ những hệ giá trị văn hóa và đạo đức tốt đẹp.

Mặt trái của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn có thể gây ra bất bình đẳng xã hội, có thể phá vỡ thị trường lao động truyền thống. Và khi khoa học, công nghệ không thực hiện đúng mục tiêu, bị áp đặt bởi tham vọng chứ không phải là nhu cầu sáng tạo của con người (sự chạy đua quyền lực trong chính trị, kinh tế, quân sự) thì nó lại trở thành vũ khí hủy diệt con người. Chưa bao giờ như ngày nay, sự căng thẳng giữa khoa học và lương tâm, giữa kỹ thuật và đạo đức lên tới cực điểm để trở thành một mối đe dọa đối với toàn thế giới. Vì vậy, điều quan trọng là làm cho khoa học đi cùng lương tâm, kỹ thuật đi cùng đạo lý là trách nhiệm của chúng ta nếu chúng ta không muốn chứng kiến “sự bại hoại trong tâm hồn”.

          2. Yêu cầu mới đặt ra đối với xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam

          Phát triển văn hóa, con người Việt Nam là một bộ phận cơ bản trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, là một nhiệm vụ trọng yếu trong sự nghiệp đổi mới hiện nay. Vai trò của văn hóa, con người ngày càng được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta nhận thức đầy đủ và toàn diện hơn. Trước bối cảnh quốc tế và trong nước tác động cả tích cực và tiêu cực đến xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam và thực trạng của việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam thời gian qua đã đặt ra những yêu cầu mới sau:

          Thứ nhất, trong quá trình phát triển con người phải đặc biệt quan tâm đến giáo dục và đào tạo, phải coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Phát triển con người phải gắn với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Đảng đã nhiều lần nhấn mạnh: Tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời phải tăng cường giáo dục lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, như Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên”[4].

          Thứ hai, các giá trị chân, thiện, mỹ phải là giá trị hàng đầu khi xem xét, đánh giá, điều chỉnh quá trình phát triển của các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội. Bởi vì, phát triển bền vững đất nước đòi hỏi một sự hợp lực chung của cả dân tộc, bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau, từ chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại để tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, trong đó phát triển văn hóa, con người giữ vai trò quan trọng.

          Mặt khác, sự phát triển bền vững đất nước ở Việt Nam hiện nay chính là mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam phải hướng vào thực hiện mục tiêu chung này để phát triển bền vững đất nước.

Thứ ba, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam cần phải thích ứng với điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu dựa vào tri thức, kỹ năng của con người, sử dụng công nghệ cao và sạch, thân thiện với môi trường, đòi hỏi việc xây dựng văn hóa, phát triển con người phải chuyển hướng tập trung vào chất lượng, hiệu quả, gắn với phát triển kinh tế - xã hội.

Trước những tác động tiêu cực do mặt trái của kinh tế thị trường, của toàn cầu hóa, những thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt là mạng xã hội, việc phát triển văn hóa, con người Việt Nam phải tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chống các tiêu cực và tệ nạn xã hội, củng cố niềm tin vào các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, bảo vệ văn hóa dân tộc, tạo lập môi trưởng văn hóa lành mạnh trong xã hội. Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục”[5].

Trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam cần phải tích cực, chủ động học tập kinh nghiệm quốc tế để nâng cao nội lực dân tộc, đồng thời phải kiên quyết đấu tranh chống lại sự xâm nhập của các yếu tố phản văn hóa, phản giá trị làm xói mòn giá trị văn hóa, đạo đức của dân tộc. Vừa kế thừa, phát huy các giá trị tốt đẹp, tích cực của văn hóa dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, khẳng định được bản sắc, bản lĩnh của dân tộc trong giao lưu và hội nhập quốc tế.

Đồng thời, sự nghiệp đổi mới, giao lưu, hội nhập quốc tế đón nhận thời cơ và khắc phục những thách thức tác động đa chiều, phức tạp của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đang rất cần, đòi hỏi rất mới về nguồn lực con người phát triển toàn diện về thể lực, tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, có kỹ năng lao động, đạo đức nghề nghiệp để tham gia vào kinh tế thị trường, có đủ khả năng tương thích, phù hợp, tiếp cận với trình độ khoa học tiên tiến của thế giới và hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu.

Thứ tư, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Đại hội XIII đã đưa ra định hướng: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”[6].

Bối cảnh quốc tế ngày nay đan xen cả thời cơ và thách thức đối với vấn đề xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cần phải phát huy truyền thống yêu nước và sức mạnh dân tộc, nâng cao tinh thần đoàn kết, độc lập tự chủ, tự cường dân tộc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; sẵn sàng đập tan mọi âm mưu xâm lược và phá hoại của các thế lực thù địch, bảo vệ an ninh quốc gia, tích cực tham gia giữ vững môi trường hòa bình khu vực và thế giới để xây dựng đất nước, hướng tới sự phát triển bền vững.

 



[1] . Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2021, tr.147.

[2] . Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, H.1998, tr.45

[3].Võ Văn Thưởng: Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam. https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/truyen-thong-xa-hoi-doi-voi-on-dinh-chinh-tri-xa-hoi-o-viet-nam-541998.html

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, tr.143.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, tr.146

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, tr.115 - 116

 

Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 5 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây