75 NĂM NGÀY CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH RA LỜI KÊU GỌI THI ĐUA ÁI QUỐC (11/6/1948 - 11/6/2023)

Thứ năm - 08/06/2023 09:23 370 0
75 NĂM NGÀY CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH RA LỜI KÊU GỌI THI ĐUA ÁI QUỐC (11/6/1948 - 11/6/2023)
                                                        Th.S Nguyễn Thị Hoàn
                                                       Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng
Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những quan điểm, chỉ đạo, định hướng phong trào thi đua yêu nước trong nhiều thập kỷ qua; là cơ sở để Đảng, Nhà nước bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương về thi đua yêu nước, về công tác thi đua - khen thưởng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Ngày nay, trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn vẹn nguyên ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.
1. Hoàn cảnh ra đời Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
 Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp muốn biến Việt Nam trở thành thuộc địa lần thứ hai của Pháp. Trước vận mệnh đất nước đang trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, thù trong, giặc ngoài, nạn đói, nạn dốt hoành hành khắp nơi, việc động viên, khích lệ, phát huy sức mạnh của toàn thể dân tộc Việt Nam là điều rất cần thiết để thực hiện nhiệm vụ cấp bách của dân tộc: Xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống Nhân dân.      
Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Với ý chí “thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, toàn dân tộc Việt Nam đã nhất tề đứng lên kháng chiến, chống thực dân Pháp xâm lược.
Sau chiến thắng Việt Bắc (Thu Đông 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra sáng kiến tổ chức, lãnh đạo phong trào thi đua ái quốc trong toàn thể nhân dân để phát huy sức mạnh của toàn dân tộc nhằm đưa cách mạng Việt Nam giành thắng lợi to lớn hơn. Chấp thuận đề nghị của Người, ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Chỉ thị xác định: “… mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công”.
Sau khi Ban Chấp hành Trung ương ra Chỉ thị, nhân kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến (Ngày Nam Bộ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 23/9/1945), ngày 11/6/1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.

Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: hochiminh.vn) 

2. Nội dung lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc, với cách viết súc tích, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và rất sâu sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến một cách toàn diện những vấn đề cần tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện một phong trào thi đua yêu nước từ mục đích, yêu cầu, nội dung, cách làm, lực lượng đến kết quả. 
Về mục đích của phong trào thi đua yêu nước là: “Diệt giặc đói, Diệt giặc dốt, Diệt giặc ngoại xâm”, để nhằm thực hiện “Hạnh phúc cho dân” [1].
Về nội dung thi đua, Lời kêu gọi chỉ rõ: “Làm cho mau, Làm cho tốt, Làm cho nhiều” [2] trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội: quân sự, kinh tế,  chính trị, văn hóa, xã hội... Đây là sự thể hiện tính toàn diện của cuộc kháng chiến, sâu xa hơn là tính toàn diện của sự nghiệp cách mạng.
Về cách làm, trong Lời kêu gọi, Hồ Chí Minh nêu phương châm: “dựa vào: Lực lượng của dân, Tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân”[3]. Điều này thể hiện truyền thống “lấy dân làm gốc” của dân tộc Việt Nam, đó là sự kết hợp giữa huy động sức dân và bồi dưỡng sức dân, phát huy tinh thần, sức mạnh của nhân dân và mục tiêu cuối cùng là để mang lại hạnh phúc, ấm no cho dân. Đây cũng là tính nhân văn, triệt để của sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
 
 
Đi vào cách làm cụ thể, Lời kêu gọi thi đua ái quốc nêu lên trách nhiệm của mỗi người dân yêu nước trong các hoạt động thực tiễn: “Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc. Các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn. Đồng bào phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp. Đồng bào công nhân và nông dân thi đua sản xuất. Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh. Nhân viên Chính phủ thi đua tận tụy làm việc, phụng sự nhân dân. Bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng [4]. Tóm lại, tất cả mọi người Việt Nam, hễ là người yêu nước đều phải tham gia các phong trào thi đua.
Trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh không những đã xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, hình thức, biện pháp, lực lượng thi đua, Người còn chỉ ra kết quả mà phong trào thi đua đạt được sẽ là toàn dân đủ ăn, đủ mặc; toàn dân biết đọc, biết viết; toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới, để diệt giặc ngoại xâm; toàn quốc sẽ độc lập hoàn toàn để đi tới thực hiện mục tiêu “dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc. Người còn dự báo phong trào thi đua yêu nước sẽ được lan tỏa sâu rộng khắp mọi mặt và trong mọi tầng lớp nhân dân, trở thành một phong trào to lớn, sôi nổi, mạnh mẽ, lướt qua mọi nguy hiểm, khó khăn, nhấn chìm tất cả bè lũ bán nước và cướp nước để đi đến thắng lợi cuối cùng. Người hết sức tin tưởng vào tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước nồng nàn, ý chí kiên quyết của nhân dân ta, của quân đội ta, chúng ta nhất định thắng lợi. Chính niềm tin của Người là sức mạnh để động viên, cổ vũ, khích lệ toàn dân, toàn quân ta hăng hái thi đua yêu nước.
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước đã dấy lên các phong trào thi đua yêu nước rất sôi nổi và hiệu quả. Trên khắp các mặt trận, từ tiền tuyến đến hậu phương; trên khắp các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, quân sự…; ở khắp các giới, các ngành, các cấp, đâu đâu cũng sục sôi phong trào thi đua yêu nước. Đúng như sau này, Người đã tổng kết: “người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua.”[5]
3. Ý nghĩa  Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có tác dụng hiệu triệu, lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Đặc biệt trong những thời khắc cam go, ác liệt của dân tộc, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thấm sâu vào các tầng lớp Nhân dân, biến thành sức mạnh đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi vẻ vang. Từ Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước đã dấy lên các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi. Lịch sử cách mạng Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến giành độc lập và thống nhất cho Tổ quốc, qua thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và trên cả nước sau đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã in đậm hình ảnh các phong trào thi đua trên khắp các mặt trận, từ tiền tuyến đến hậu phương, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi lên miền ngược; trên khắp các lĩnh vực; ở mọi tầng lớp Nhân dân, các cấp, các ngành. 
Lời kêu gọi thi đua ái quốc là những quan điểm, chỉ đạo, định hướng phong trào thi đua yêu nước trong nhiều thập kỷ qua; là cơ sở để Đảng, Nhà nước bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương về thi đua yêu nước, về công tác thi đua - khen thưởng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Ngày nay trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn vẹn nguyên ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.    
Trong suốt 75 năm, từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, đất nước và dân tộc đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử; uy tín, vị thế của đất nước trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Trong thành tựu chung của đất nước có sự đóng góp quan trọng của các phong trào thi đua yêu nước. Lời kêu gọi thi đua ái quốc không chỉ là những chỉ dẫn, động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phát huy tinh thần yêu nước thông qua những công việc cụ thể hằng ngày trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, mà còn là sự cổ vũ, dẫn đường cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc ở nước ta hiện nay./.

TRÍCH DẪN:
[1] ,[2], [3], [4], [5]: Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, Tập 5, trang 556.


 

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây