SỰ KIỆN BÁC HỒ RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC NGÀY 5/6/1911 VÀ BÀI HỌC VỀ LÒNG YÊU NƯỚC ĐỐI VỚI THẾ HỆ TRẺ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TÂY NINH HIỆN NAY

Thứ hai - 05/06/2023 17:08 10.792 0
Thạc sĩ: Bùi Thị Diệp
Khoa Xây dựng Đảng
Cách đây 112 năm, với lòng yêu nước, với thiên tài trí tuệ, nhãn quan chính trị sắc bén và được kế thừa các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, ngày 5/6/1911, tại Bến cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn - Gia Định (nay là Thành phố Hồ Chí Minh), người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành khi đó mới vừa tròn 21 tuổi đã lên chiếc tàu mang tên Amiral Latouche Tréville, bắt đầu cuộc hành trình đi ra thế giới tìm con đư­ờng mới để cứu nư­ớc, cứu dân. Vào thời điểm đó, không ai biết rằng vận mệnh của dân tộc Việt Nam đã gắn liền với quyết định ra đi của một con người mà lịch sử đã chứng tỏ là sáng suốt, phi thường ấy. Với mục đích rõ ràng: xem các nước làm thế nào rồi trở về giúp đồng bào.
Vượt qua được hạn chế của các nhà yêu nước đương thời, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rất khâm phục tinh thần yêu nước của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Hoàng Hoa Thám, nhưng không đồng ý đi theo con đường các bậc tiền bối. Trong khi nhiều người còn ngưỡng mộ cách mạng tư sản, trăn trở tìm con đường cứu nước theo khuynh hướng tư sản, Người đã vượt qua sự hạn chế tầm nhìn của các bậc tiền bối, với tư duy độc lập, tự chủ Người đã lựa chọn hướng đi và điểm tới của mình. Đặc sắc hơn, Người xác định cho mình phương thức ra đi đó là vừa đi vừa lao động, cùng với sự thay đổi trong lộ trình. Đi nhiều nước, khám phá nhiều nền văn minh chứ không chỉ dừng lại ở Pháp. Đây chính là quá trình hoạt động thực tiễn gắn với tư duy khoa học giúp Người tiếp cận chân lý của thời đại. Hướng đi và mục đích được xác định là “tôi muốn đi ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”. Nguyễn Tất Thành muốn khám phá cái gì ẩn đằng sau khẩu hiệu “tự do, bình đẳng, bác ái” mà Người từng được học, được nghe từ sự tuyên truyền của chính quyền thực dân Pháp, để hiểu rõ kẻ thù của mình, từ đó, tìm con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc.
Như vậy, ngay từ đầu Nguyễn Tất Thành đã nhận thức rõ ràng rằng, dân tộc Việt Nam đang cần nhất là cách thức đánh đuổi thực dân đế quốc hay nói cách khác là lý luận cách mạng và phương pháp cách mạng để giải phóng dân tộc khi mà trực tiếp chứng kiến, cảm nhận những nỗi đau của đồng bào đang phải chịu ách nô lệ, thực dân, cảnh nước mất nhà tan đã hun đúc trong Người tình yêu quê hương, đất nước và nhân dân với khát vọng cháy bỏng độc lập dân tộc. 
Sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước vào ngày 05/6/1911 có ý nghĩa vô cùng to lớn khi tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc ta đó là con đường cách mạng vô sản, từ đó Người tích cực tìm mọi cách đưa con đường cứu nước đó vào trong nước, tích cưc chuẩn bị các điều kiện về tư tưởng, chính trị, tổ chức và cán bộ cho sự thành lập Đảng, dẫn tới sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930, đề ra đường lối đúng đắn lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Khi đánh giá quá trình cách mạng Việt Nam hơn 80 năm Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã nhận định: Từ năm 1930 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế; thắng lợi của công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, tiếp tục đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội với nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp thực tiễn Việt Nam.
Lòng yêu nước, thương dân, khát vọng độc lập của Người luôn soi đường cho các thế hệ thanh niên Việt Nam. Người đã tìm ra “con đường giải phóng” cho đồng bào, cho dân tộc Việt Nam. Sự kiện ra đi tìm đường cứu nước của Bác không chỉ truyền ý chí, cảm hứng, khát vọng cho các thế hệ trẻ, mà còn giúp các thế hệ trẻ Việt Nam rút ra nhiều bài học quý báu trong cuộc sống, học tập, công tác, lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các thế hệ thanh niên Việt Nam đã sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần, chiến đấu, cống hiến và hy sinh cho Tổ quốc, tô thắm truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam anh hùng. 
Ngày nay, trong công cuộc đổi mới đất nước ta hiện nay cần không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện, nêu cao lòng yêu nước để xây dựng đất nước ta ngày càng giàu đẹp theo gương của Bác. Các thế hệ trẻ được sống, học tập và làm việc trong điều kiện hòa bình cần phải nhớ đến công lao, máu xương ông cha đã đổ xuống, cần phải thể hiện lòng yêu nước hơn nữa bằng cách biết đi đầu gương mẫu trong mọi việc theo như Người đã khẳng định trong “Bài nói tại Hội nghị cán bộ Đoàn Thanh niên lao động Việt Nam” (19/1/1959): “Nói chung, thanh niên phải chuẩn bị làm người chủ nước nhà. Muốn thế phải ra sức học tập chính trị, kỹ thuật, văn hóa, trước hết phải rèn luyện và thấm nhuần tư tưởng xã hội chủ nghĩa, gột rửa chủ nghĩa cá nhân…”, và các thế hệ trẻ Trường Chính trị Tây Ninh hiện nay cần học tập theo gương Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp với đặc điểm, chuyên môn, nhiệm vụ của mình để góp phần đóng góp xây dựng đất nước Việt Nam ta ngày càng giàu mạnh, đó là:
- Một là, giảng viên trẻ Trường Chính trị cần có bản lĩnh chính trị vững vàng. Bản lĩnh chính trị của người giảng viên là sản phẩm của quá trình bồi dưỡng, giáo dục, đào tạo của Đảng, trình độ nhận thức và lòng tin sâu sắc vào sự tất thắng của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, của lý tưởng cộng sản chủ nghĩa; lòng tin vào sức mạnh của tính nhân đạo, lòng tin vào sức mạnh của con người và của chính mình; kiên định mục tiêu, lý tưởng, con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.
- Hai là, lòng yêu nước, thương dân, khát vọng độc lập của Người luôn soi đường cho các thế hệ trẻ Việt Nam. Vì vậy, tình yêu quê hương đất nước, khát vọng, hoài bão của mỗi thế hệ trẻ Trường Chính trị Tây Ninh hiện nay, điều đó phải được thể hiện, được bắt đầu từ chính những công việc rất cụ thể hằng ngày trong học tập, lao động, công tác, sẵn sàng chiến đấu, dấn thân làm những điều tốt đẹp, đột phá để thay đổi hiện trạng, tiên phong hiện thực hóa tầm nhìn 2030, khát vọng 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã vạch ra.
- Ba là, luôn trung thành với sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, thấm nhuần sâu sắc và luôn đề cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội.
- Bốn là, mỗi giảng viên Trường Chính trị phải tự giác tu dưỡng và rèn luyện bản thân, không bị phân tâm, sao nhãng, lập trường kiên định, không để phai nhạt lý tưởng của Đảng, không ngừng học tập, trau dồi sức mình cống hiến vào những bài giảng chất lượng, rèn luyện cho mình kỹ năng tư duy phản biện… bồi dưỡng thêm lý luận chính trị cho học viên để họ ý thức trách nhiệm được trong công việc, tu dưỡng rèn luyện đạo đức cách mạng để trở thành những người bán bộ hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.
- Năm là, mỗi cán bộ, giảng viên thế hệ trẻ hiện nay cần rèn luyện ý chí quyết tâm, bản lĩnh, nỗ lực, phấn đấu không ngừng và không được tự mãn,  phải luôn có ý thức tự rèn thái độ sống đúng đắn, ý chí, nghị lực vươn lên, vượt khó sáng tạo, ra sức học tập, rèn luyện, nêu cao tinh thần nghị lực và ý chí quyết tâm, không ngừng nâng cao giác ngộ lý tưởng cách mạng, luôn hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được giao.
Hơn 50 năm ngày Bác đi xa, tư tưởng về tinh thần yêu nước của Người vẫn sáng mãi, đã, đang và sẽ được các thế hệ con, cháu tiếp tục phát huy mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường. Trong công cuộc đổi mới đất nước ta hiện nay, các thể hệ trẻ Việt Nam nói chung và thế hệ trẻ Trường Chính trị Tây Ninh nói riêng cần không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện, nêu cao lòng yêu nước để xây dựng đất nước ta ngày càng giàu đẹp theo gương của Bác, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh để sánh vai các cường quốc năm châu như Bác hằng mong ước.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 43 trong 13 đánh giá

Xếp hạng: 3.3 - 13 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây