63 NĂM TÁC PHẨM “ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG” CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH- GIÁ TRỊ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

Chủ nhật - 26/12/2021 18:10 4.886 0

Th.s Lê Tuấn Thu

Khoa Xây dựng Đảng

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá kiệt xuất của Việt Nam, toàn bộ cuộc đời của Người dành trọn vẹn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Một trong những di sản đồ sộ mà Người để lại cho chúng ta về đạo đức là tác phẩm Đạo đức cách mạng. Tuy không phải là tác phẩm đầu tiên bàn về đạo đức cách mạng, song đây là tác phẩm đầu tiên và duy nhất trình bày một cách hệ thống, hoàn chỉnh và bao quát những vấn đề hết sức cơ bản về đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Vào nửa cuối những năm 50 của thế kỷ XX, tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp. Trước sự phá sản của chính sách thực dân cũ, các nước đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ, ráo riết thực hiện chính sách thực dân mới trên phạm vi toàn cầu. Trong phe xã hội chủ nghĩa xuất hiện xu hướng hoà hoãn, đồng thời nảy sinh bất đồng trong một số vấn đề như: con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; quan điểm về chiến tranh và hoà bình…Đặc biệt là sự rạn nứt trong các quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc.

Ở trong nước, theo tinh thần hiệp định Giơnevơ, miền Bắc nước ta hoàn toàn được giải phóng, đang đẩy mạnh thực hiện cải cách ruộng đất, chế độ phong kiến cơ bản đã bị xoá bỏ, khẩu hiệu người cày có ruộng của Đảng ta đã được thực hiện. Thắng lợi đó đã mở đường cho người dân xây dựng cuộc đời no ấm, góp phần xứng đáng vào công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế tạo tiền đề để cải tạo xã hội chủ nghĩa. Ở miền Nam, chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm trắng trợn phá hoại Hiệp định Giơnevơ, thẳng tay đàn áp các lực lượng kháng chiến. Phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam gặp muôn vàn khó khăn.

Tình hình quốc tế và trong nước đã tác động không nhỏ tới tư tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu cao độ của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, trong những năm miền Bắc khôi phục kinh tế, văn hoá, xã hội, hàn gắn vết thương chiến tranh, bước đầu cải tạo và xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, tâm trạng thời bình, biểu hiện suy thoái và cá nhân chủ nghĩa của đội ngũ cán bộ, đảng viên đã không dừng lại ở hiện tượng đơn lẻ, mà đã trở thành nguy cơ của một đảng cầm quyền. Biểu hiện rõ là, sau khi hoà bình được lập lại, bên cạnh số đông cán bộ vẫn giữ vững truyền thống cách mạng tốt đẹp, cần cù, chất phác, bền bỉ đấu tranh và làm tròn nhiệm vụ thì còn có một số cán bộ lầm tưởng đất nước đã thái bình, thờ ơ với đạo đức cách mạnh và mắc các khuyết điểm như: Muốn nghỉ ngơi, sợ gian khổ, ngại công việc khó, không học tập, thiếu cảnh giác, kém kỷ luật, muốn tiêu xài rộng rãi, thích phô trương, lãng phí, tham ô, hủ hoá, kèn cựa, quan liêu, bao biện, không tin vào lực lượng quần chúng; vì vậy không nhận thức rõ phải trái, không giữ được lập trường …

Trước tình hình nói trên, cuối năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Đạo đức cách mạng”. Tác phẩm được công bố lần đầu tiên trên tạp chí Học tập số 12 năm 1958 với bút danh Trần Lực, Nhà xuất bản Sự thật in thành sách và phát hành ngay trong tháng 12 năm 1958. Tuy dung lượng không dài, kết cấu đơn giản, gồm 12 trang, nhưng nội dung tác phẩm rất phong phú, lối viết súc tích, văn phong giản dị, dễ hiểu, chứa đựng những tư tưởng lớn về đạo đức mới- đạo đức cách mạng. 

Tác phẩm tập trung phân tích hai vấn đề sau đây:

Thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về vai trò, vị trí và tiêu chuẩn của đạo đức cách mạng.

Đạo đức cách mạng là gốc, là nền tảng của của người cách mạng. Trong tác phẩm Người căn dặn cán bộ, đảng viên phải luôn trau dồi đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, bởi vì người “có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước. Vì lợi ích chung mà không ngần ngại hy sinh tất cả lợi ích riêng của cá nhân mình, thậm chí sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình”[1] và "đó là biểu hiện rất rõ rệt, rất cao quý của đạo đức cách mạng"[2]. Đạo đức cách mạng giúp mỗi người “khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, "lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ", không lo kèn cựa về mặt hưởng thụ, không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hoá” [3]

Để tu dưỡng bền bỉ suốt đời thông qua đạo đức cách mạng, tiêu chuẩn đầu tiên không thể thiếu được của người cán bộ cách mạng là Đạo đức cách mạng. Đạo đức cách mạng ở đây không phải là cái gì trừu tượng, cao xa hoặc từ trên trời rơi xuống, mà là những điều hết sức bình thường, hết sức cụ thể, dễ hiểu, đó là:

"Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc. Ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng, cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ"[4]

Có thể khẳng định rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao tính tự giác, tự rèn luyện đạo đức của người cán bộ. Phẩm chất đạo đức là giá trị riêng có của từng người, không thể vay mượn, càng không phải chỉ là những lời nói cửa miệng về đạo đức. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Người cách mạng phải thấy thật rõ điều đó và đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân, để hết lòng, hết sức đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản” [5]

Sở dĩ cần có người cách mạng là vì trên đường cách mạng khi nào mà chẳng có vô số kẻ địch và khó khăn cản trở cách mạng tiến lên, đó là chủ nghĩa tư bản, bọn đế quốc và tay sai của chúng, là những cái cũ, cái lạc hậu, lỗi thời phản động và chính ngay chủ nghĩa cá nhân ẩn náu trong mỗi người. Cho nên, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn định nghĩa: "Đạo đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào, cũng phải quyết tâm đấu tranh, chống mọi kẻ địch, luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, quyết không chịu khuất phục, không chịu cúi đầu. Có như thế mới thắng được địch và thực hiện được nhiệm vụ được giao"[6].

Giáo dục đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây là những nội dung không chỉ mang tính chất định tính trong nhận thức lý luận cho cán bộ, đảng viên mà còn định hướng, hướng dẫn cho cán bộ, đảng viên hành động; cũng chính là một biểu hiện của nội dung gắn liền lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành. Bởi đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước là sự quán triệt, vận dụng của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Người căn dặn: "Những chính sách và Nghị quyết của Đảng đều vì lợi ích của nhân dân. Vì vậy, đạo đức cách mạng của người đảng viên là bất kỳ khó khăn đến mức nào cũng kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng, làm gương mẫu cho quần chúng. Mọi đảng viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng”[7].

Sự nghiệp cách mạng là của quần chúng, Đảng chỉ vững mạnh khi có quan hệ máu thịt với quần chúng nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Đạo đức cách mạng là hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng”[8], gắn bó mật thiết với nhân dân là "tư cách và bổn phận" của người đảng viên: "một giây, một phút cũng không thể giảm bớt mối liên hệ giữa ta với dân".

Thứ hai, chống chủ nghĩa cá nhân nâng cao đạo đức cách mạng.

Chủ nghĩa cá nhân là một biểu hiện tiêu cực trong xã hội, đi ngược lại sự phát triển, làm tha hóa con người, là một trong những lực cản thực hiện các chủ trương, đường lối phát triển kinh tế, ổn định xã hội và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, hội nhập của nước ta từ trước đến nay. Trong tác phẩm Đạo đức cách mạng, chủ nghĩa cá nhân được chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát một cách toàn diện, cụ thể: "Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích của tập thể", "Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy"[9]. Chủ nghĩa cá nhân là "vết tích xấu nhất và nguy hiểm nhất của xã hội cũ", "là một thứ rất gian xảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc"[10]. Người cảnh báo: "Chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng, nếu nó còn lại trong mình, dù là ít thôi, thì nó sẽ chờ dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng, để ngăn trở ta một lòng một dạ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng"[11].

Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên: Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định ngày hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến, ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân. Người xem nó là một thứ vi trùng mẹ, đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí, v.v... trói buộc, bịt mắt những nạn nhân của nó, khuyến khích lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân, không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân. Người khẳng định "chủ nghĩa cá nhân là một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội"[12]. Người kết luận: "thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân"[13] và cách thức để gột rửa sạch những vết tích xấu xa của xã hội cũ, chống lại chủ nghĩa cá nhân là phải rèn luyện đạo đức cách mạng, phải thường xuyên, liên tục, ra sức học tập, tu dưỡng, tự cải tạo để tiến bộ mãi.

Tác phẩm “Đạo đức cách mạng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời 63 năm trước nhưng những vấn đề mang tính nguyên tắc về bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, chống chủ nghĩa cá nhân, thường xuyên thực hiện đạo đức cách mạng để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh vẫn còn nguyên giá trị. 

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được Đảng ta xác định là khâu “then chốt” thể hiện qua các kỳ Đại hội gần đây, việc nhận diện chủ nghĩa cá nhân góp phần quan trọng vào việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Hội nghị lần thứ tư khoá XIII đã nhận định: “Thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII và các quyết định, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong thời gian qua, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả bước đầu rất quan trọng, có bước đột phá trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên được nâng lên, nhận diện đầy đủ hơn những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đoàn kết, thống nhất trong Đảng được tăng cường; huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự vào cuộc của Nhân dân tham gia đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ... Kết quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được toàn Đảng, toàn dân ủng hộ, đồng tình, đánh giá cao. 

Tuy nhiên, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi một cách căn bản, có mặt, có lúc, có bộ phận còn diễn biến phức tạp, tinh vi hơn” [14]

Từ những nhận định trên của Đảng ta qua bốn kỳ Đại hội liên tiếp X, XI, XII, XIII, và ba Hội nghị lần thứ tư các khoá XI, XII, XIII. Có thể thấy những nguy cơ của Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền, trong đó đặc biệt cần chú ý là giặc nội xâm - chủ nghĩa cá nhân. 

Trong tác phẩm, lần đầu tiên lý luận về chủ nghĩa cá nhân được Người khái quát một cách toàn diện. Theo Người chủ nghĩa xã hội đối lập, xa lạ với chủ nghĩa cá nhân, nhưng không hề phủ nhận cá nhân; trái lại, tôn trọng cá nhân, lợi ích cá nhân, phát triển mọi năng lực cá nhân vì sự phát triển xã hội và hạnh phúc của con người nói chung. Người viết: “Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là “giày xéo lên lợi ích cá nhân”. Mỗi người đề có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và của gia đình mình. Nếu những lợi ích cá nhân đó không trái với lợi ích của tập thể thì không phải là xấu”[15]. Đây là chiều sâu trong tư duy biện chứng, trong nhãn quan văn hóa, đạo đức của Người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định chủ nghĩa cá nhân là sự biểuhiện tập trung nhất của suy thoái đạo đức, lối sống tha hóa nhâncách cộng sản, trở thành nguy cơ lớn của Đảng cầm quyền. Quan niệm, những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hệ thốngcác tác phẩm, trong đó có tác phẩm “Đạo đức cách mạng” năm1958, dù đã 63 năm nhưng tư tưởng của Người vẫn còn vẹnnguyên cả về lý luận và thực tiễn, nhằm phòng tránh, đấu tranhhiệu quả chống chủ nghĩa cá nhân trong Đảng có giá trị lâu dàivà tính thời sự cấp thiết. Chính vì vậy, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, học tập và làm theo quan điểm này của Người là mộtnội dung quan trọng của công tác giáo dục chính trị - tư tưởngvới tư cách là giải pháp hàng đầu ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoáiđạo đức, lối sống trong nội bộ Đảng theo tinh thần Nghị quyếtHội nghị lần thứ tư (khóa XI, XII, XIII) của Đảng./.

[1],[2],[3],[4],[5],[6],[7],[8],[10],[11],[12],[13],[15] Hồ Chí Minh: Về đạo đức cách mạng, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2010, tr. 193, 194, 195, 198, 199, 202, 193, 192, 203.

[9]- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia-Sự thật, H.2011, t.13, tr.90.

[14] Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Thông báoHội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, ngày 08/10/2021.

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây