CHÍNH SÁCH TIỀN LƯƠNG SẼ LÙI THỜI ĐIỂM THỰC HIỆN VÀO NĂM 2022

Chủ nhật - 14/11/2021 19:23 215 0

ThS. Huỳnh Thị Nhẹ, giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật

Cải cách chính sách tiền lương là một bộ phận đặc biệt quan trọng, quan hệ chặt chẽ với các chính sách khác trong hệ thống chính sách kinh tế - xã hội, liên quan trực tiếp đến các cân đối kinh tế vĩ mô, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng, chống tham nhũng.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp là cuộc “cách mạng” thực sự trên lĩnh vực tiền lương. Nghị quyết số 27-NQ/TW nêu rõ, từ năm 2021 sẽ áp dụng chế độ tiền lương mới. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công), thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương); bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp). Các cơ quan chức năng sẽ xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.

Theo đó mục tiêu, lộ trình thực hiện cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW đối với khu vực công là:

- Từ năm 2018 đến năm 2020, tiếp tục điều chỉnh tăng mức lương cơ sở theo Nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm không thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế; không bổ sung các loại phụ cấp mới theo nghề. Hoàn thành việc xây dựng và ban hành chế độ tiền lương mới theo nội dung cải cách chính sách tiền lương, gắn với lộ trình cải cách hành chính, tinh giản biên chế; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập.

- Từ năm 2021 đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị từ năm 2021; năm 2021, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân của khu vực doanh nghiệp. Định kỳ (2 đến 3 năm) thực hiện nâng mức tiền lương phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng CPI, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của ngân sách nhà nước. Đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân của khu vực doanh nghiệp. Đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước có nhiều biến động lớn, đột xuất, phức tạp, đại dịch Covid – 19 diễn biến nhanh, khó lường, tác động nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực trên toàn cầu, tại hội nghị lần thứ 13, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã quyết định lùi thời điểm thực hiện cải cách tiền lương đến ngày 01/7/2022, thay vì năm 2021 theo Nghị quyết 27-NQ/TW.

Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương tiếp tục rà soát, tính toán kỹ lưỡng, chuẩn xác hóa lại các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để trình Quốc hội xem xét, quyết định, bảo đảm đáp ứng yêu cầu vừa tiếp tục phòng, chống, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Dự báo trong năm 2022, tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cần phải đổi mới tư duy, nhận thức đúng đắn hơn về phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh để xây dựng các phương án, kịch bản phù hợp đưa vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2022 sao cho sát hợp, khả thi nhất có thể. Trên cơ sở kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2022 và chủ trương, định hướng phòng, chống dịch trong tình hình mới, kịp thời điều chỉnh chính sách tài chính - tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, phục hồi sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa, lao động, nhất là ở các địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài, thúc đẩy xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh đầu tư, bao gồm cả đầu tư công và đầu tư tư nhân...

Do đó, tại hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII quyết định tiếp tục lùi thời điểm thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đồng thời, Trung ương yêu cầu tiếp tục rà soát, tính toán kỹ lưỡng, chuẩn xác hoá lại các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để trình Quốc hội xem xét, quyết định, bảo đảm đáp ứng yêu cầu vừa tiếp tục phòng, chống, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

 

Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII quyết định tiếp tục lùi thời điểm 

thực hiện cải cách chính sách tiền lương – Nguồn Internet

 

Trên tinh thần quán triệt sự chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, sáng 13/11/2021, với đa số đại biểu tán thành (93,19% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; trong đó, Quốc hội quyết định lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội; ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995. Đồng thời, tiếp tục thực hiện quy định về tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương để tích lũy nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương vào thời điểm phù hợp. Cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương so với dự toán dành để cải cách chính sách tiền lương, bao gồm: Thu tiền thuê đất một lần được nhà đầu tư ứng trước để bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu từ xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được cơ quan có thẩm quyền quyết định sử dụng để chi đầu tư theo quy định; thu tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa; phí tham quan các khu di tích, di sản thế giới; phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu; phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; thu từ quỹ đất công ích, thu hoa lợi, công sản tại xã và thu tiền cho thuê, cho thuê mua, bán nhà thuộc sở hữu nhà nước. Quốc hội cũng quyết định: Trường hợp đã sử dụng hết nguồn ngân sách địa phương, nguồn lực hợp pháp khác để chi phòng, chống dịch Covid-19 và cam kết bảo đảm đủ nguồn để thực hiện cải cách chính sách tiền lương, cho phép các địa phương được sử dụng nguồn cải cách chính sách tiền lương còn dư để chi phòng, chống dịch Covid – 19 trong năm 2021 và năm 2022. Chính sách này đã thỏa mãn nguyện vọng của nhiều địa phương đang gồng mình chống dịch: cho phép dùng nguồn từ thực hiện cải cách tiền lương để lo an sinh cho người dân.

Trong bối cảnh cả nước đang “thắt lưng buộc bụng” chờ phục hồi kinh tế, các nguồn chi phòng chống dịch bệnh Covid – 19 ngày càng tăng, Trung ương quyết định lùi thực hiện chính cải cách tiền lương là phù hợp thực tiễn. Dù vậy, Trung ương khẳng định, việc thực hiện chính sách cải cách tiền lương sẽ được thực hiện vào thời điểm thích hợp khi nguồn lực cho phép, đảm bảo nguồn để thực hiện cải cách tiền lương như tiết kiệm chi thường xuyên, quyết liệt thu hồi tài sản… Cùng với đó, đề án vị trí việc làm, điều kiện cần thiết để đáp ứng nhu cầu cải cách tiền lương cần được triển khai một cách quyết liệt, hiệu quả./.

 

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây